Leviethoa :
– Chào Quang Tử. Mình là Phật tử tại gia. Mình đã vào facebook và tìm hiểu các bài viết về Phật Pháp của bạn. Mình muốn hỏi thêm bạn về cách tu tập để hoàn thiện bản thân. Giúp thân tâm an lạc.
Quang Tử:
– Bạn thân mến, theo trình tự của Đức Phật dạy thì tu học cần theo 3 bước sau : VĂN →TƯ → TU
1. VĂN – tiếng Hán dịch ra nghĩa là Nghe, thời xưa chủ yếu mọi người học hỏi bằng cách lắng nghe lời dạy của các bậc thầy, nên Phật dùng từ Nghe, ta có thể hiểu Văn nghĩa là HỌC HỎI. Bước này tương đương với phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo trong Tứ Diệu Đế : CHÁNH KIẾN.
Việc học hỏi này có thể hiểu là bao gồm việc đọc kinh điển của Phật, đọc các bài luận, các sách kiến giải, phân tích của các bậc thiện tri thức, và tính cả việc nghe giảng pháp, xem các bài viết “đúng chánh pháp” trên mọi phương tiện như facebook, youtube, các website khác .v.v… để mình có thể hiểu được giáo lý Đạo Phật, hiểu được quy luật vận hành của vũ trụ, hiểu đúng được con đường tu học mà Đức Phật dạy.
Hiểu đúng là như thế nào, hiểu sai là như thế nào, ta chưa bàn ở đây, vấn đề này rất khó và phức tạp, Quang Tử đã có riêng một bài nói về vấn đề này, tựa là “Tìm hiểu Phật Pháp, bác bỏ hay cả tin” ( Link như sau :https://nhanqua.com.vn/tim-hieu-phat-phap-bac-bo-hay-ca-tin/)
2. TƯ – nghĩa là Tư Duy. Bước này tương đương với phần thứ 2 của Bát Chánh Đạo : CHÁNH TƯ DUY.
Sau khi đã được học giáo lý, ta cần bỏ rất nhiều thời gian và chất xám để suy nghĩ, nghiền ngẫm giáo lý ấy, vì Chân lý không có đơn giản nghe qua là tự nhiên sẽ hiểu hết được đâu, cần phải đối chiếu, so sánh các giáo lý ấy áp dụng như thế nào trong thực tế.
Từng trường hợp, từng thời kì sẽ có rất nhiều thiên biến vạn hóa, không thể hiểu máy móc được. Rồi lại có rất nhiều mảng kiến thức khác nhau, các pháp môn khác nhau, các hướng tu khác nhau như Thanh Văn Thừa, Bích Chi Phật Thừa, Bồ Tát Thừa … làm thế nào để hệ thống lại để hiểu một cách linh hoạt mà không thành ra hiểu nhầm. Việc này rất khó, còn tùy thuộc vào tố chất trí tuệ, vào nhân duyên của mỗi người.
Tóm lại là Tư, nghĩa là phải bỏ rất nhiêu thời gian, công sức mà tư duy thật kĩ lưỡng những điều đã Học, để cho những giáo lý ấy thật sự ngấm vào tâm, biến thành một hệ tư tưởng dẫn lối cho mọi quyết định của bản thân trong cuộc sống.
Còn Học Đạo mà không Tư Duy, trí tuệ không thật sự phát sinh, hoặc sẽ quên mất, hoặc chỉ hiểu lơ mơ, và nguy hại hơn, do chỉ là nghe người ta nói rồi nhắm mắt mà theo không có suy xét lại, hên thì gặp đúng chánh pháp làm theo đúng, xui thì gặp tà pháp, làm theo điều sai (vấn đề là người sai sẽ không nhận ra rằng mình đang sai, vẫn tự cho mình là đúng, đó là điều thường gặp). Như thế chắc chắn sẽ gây ra hiểu lầm, không thể thành tựu Chánh Tư Duy.
3. TU- nghĩa là Thực hành, là bắt tay vào làm theo những gì đã hiểu ra từ việc Học hỏi, và Tư Duy trước đó về Đạo lý. Bước này tương đương với 6 phần cuối của Bát Chánh Đạo : CHÁNH NGỮ – CHÁNH NGHIỆP – CHÁNH MẠNG – CHÁNH TINH TẤN- CHÁNH NIỆM – CHÁNH ĐỊNH.
Và đây mới chính là công đoạn khó khăn của việc tu hành, phước báo hay nghiệp chướng quyết định ở đây, có tiến bộ được hay dậm chân tại chỗ cũng là do ở bước này.
Hai phần Văn – Tư ở trước mới chỉ là lý thuyết – và hiểu lý thuyết cho đúng. Còn Tu hay Không Tu quyết định ở việc ta có thực hành đúng như Đạo lý không, hay chỉ là nói suông, hiểu trên giấy.
Bắt tay vào thực hành, ta mới biết Đạo lý đem ra áp dụng khó đến mức nào, không hề dễ dàng mà làm đúng như lời Đức Phật dạy một mảy may nào.
Có người muốn học Đạo, tìm đến một nhà sư nổi tiếng trí tuệ và đạo hạnh, và hỏi nhà sư :
– Đại ý việc tu hành là như thế nào ?
Nhà sư ôn tồn đáp:
– Chớ làm những việc ác. Siêng làm những việc lành.
Người kia nghe thế, cười khẩy rồi nói:
– Nói như đại sư thì đứa trẻ lên ba cũng nói được vậy.
Nhà sư điềm tĩnh đáp:
– Đúng. Trẻ lên ba cũng có thể nói được điều đó. Xong đến những ông già chín mươi lại cũng chưa chắc làm theo được.
Phật Pháp cao siêu vô vàn, nếu lại có thể dễ dàng mà học, mà hành theo, thì ai cũng đã thành Thánh cả rồi. Xong thực tế không có chuyện đó.
Khi bước vào giai đoạn Thực hành, ta sẽ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có thể làm đúng theo Đạo lý, chứ không hề nhàn nhã một chút nào.
Phật dạy bố thí, ta phải dốc tiền ra, xót hết cả ruột. Phật dạy nhẫn nhục, ta phải cắn răng, thậm chí là nghiến răng nghiến lợi nghe người khác chửi mắng mà không phản ứng lại. Phật dạy ta tiêu diệt bản ngã của chính mình, ta phải xoay lại mà moi móc những lỗi lầm của mình ra mà sám hối, mà từ bỏ, mà sửa đổi. Thực tế việc đối diện với mặt xấu của chính mình chẳng hề dễ chịu chút nào.
Phật dạy phải siêng năng học hỏi Chánh pháp, ta phải ráng căng mắt mà đọc các kinh điển rất khó hiểu xong lại dễ buồn ngủ, nhưng vẫn phải kiên trì mà đọc năm này qua tháng khác.
Phật dạy phải tinh tấn tu hành, không được chạy theo dục lạc cuộc đời, ta phải bỏ đi các buổi tiệc tùng, các buổi du lịch, mua sắm shoping, chơi game, xem phim .v.v… đem thời gian đó để học Giáo lý và áp dụng theo : giữ giới, không được thế này, không được thế kia, đọc tụng kinh điển, trì chú, niệm Phật , thiền định … mà việc nào cũng khó, cũng vất vả, dễ nản, chả hấp dẫn lôi cuốn như các trò vui thế gian chút nào.
Có Thực hành, ta mới biết được rằng “Nhìn thấy chén thuốc Bắc, và uống cạn chén thuốc Bắc là hai việc khác nhau hoàn toàn”. Xong không uống mà chỉ nhìn thì chắc chắn không khỏi được bệnh, sẽ không hề có chuyển biến gì xảy ra cả.
Chỉ khi nào ta nếm trải qua cái vị đắng kinh hồn, hít trọn cái mùi cực kì khó chịu, nghiến răng nghiến lợi uống cho hết không được phun ra, kiên trì hết chén thuốc này đến thang thuốc khác, ta mới thấy bệnh tật, sức khỏe ta được thay đổi thực sự.
Việc thực hành theo lời Phật cũng như vậy, khó khăn, gian khổ vô cùng, đã vậy lại rất lâu xa, nhiều cấp độ. Và chỉ những ai vượt qua được tất cả chướng ngại không bỏ cuộc, chỉ có họ mới nhận được phần thưởng xứng đáng, đó là nhân cách thánh thiện, là trí tuệ siêu việt, là Đạo quả giải thoát, là an lạc tối thượng vĩnh cửu không bao giờ mất.
Ba bước Văn – Tư – Tu trên cũng không phải là một chiều, từ Học đến Tư duy, đến Thực hành là kết thúc. Không, Đây là một vòng lặp liên tục nối nhau bổ trợ cho nhau nhiều tầng bậc.
Khi mới tìm hiểu Phật Pháp, ta sẽ Văn- Tư -Tu ( Học – Tư Duy – Thực hành) ở những phần giáo lý cơ bản, hiểu nôm na là lớp vỡ lòng.
Khi thực hành xong tầng cơ bản rồi, ta sẽ nhận ra là còn rất nhiều vấn đề không biết nên hiểu như thế nào, nên làm như thế nào mới đúng, vì giáo lý trước đó được học không nhắc đến, hoặc có nhắc đến mà trước mình chưa hiểu nổi.
Vậy là ta lại tiếp tục tìm hiểu để Học lên những phần giáo lý sâu xa hơn, cao cấp hơn rồi lại Tư Duy, lại Thực hành ở cấp độ cao hơn trước.
Trong trường thì Bộ Giáo dục chia ra các lớp Mầm, đến Chồi – Lá, Lớp 1, 2, … 12, Trung Cấp, Cao Đẳng – Đại Học, Cao Học, Tiến Sĩ – Giáo Sư… nói chung trên dưới 20 tầng bậc. Nhưng trong Phật Pháp, thì có đến hàng tỉ cấp độ từ thấp đến cao, phần cơ bản cho phàm phu khác, phần nâng cao cho người xuất gia khác, phần cao cấp cho các bậc Thánh như Thanh Văn, Bồ Tát tu học lại khác, sự khác biệt giữa các tầng bậc giáo lý có thể nói là một trời một vực.
Như trên Quang Tử đã khái quát sơ qua tiến trình tu học theo Phật Pháp, chỉ là sơ sài, đại khái thôi, chứ mỗi mỗi thứ khi đào sâu lại mở ra cả một kho tàng khổng lồ diễn giải không cùng tận.
Thế mới biết được là Phật Pháp không đơn giản như đa số người lầm tưởng, cứ ăn hiền ở lành, lâu lâu đi chùa là được đâu, đó chỉ là chút ít duyên lành sơ khai mà thôi, mới chỉ là nhìn thấy vạch Xuất phát của một lộ trình dài thăm thẳm vô số kiếp mà thôi.
Chúc bạn Học rộng – Hiểu sâu – Thực hành thấu đáo được những lời dạy vàng ngọc của Như Lai, sớm đạt được những quả lành trong bước đường tu học Phật Pháp.