Tôi có đọc qua một câu chuyện hài trong tập truyện” Ai mua xe rác” của Thiền sư Ajahn Brahm , sau khi cười một trận no nê, tôi chợt nhận ra những bài học hết sức thâm thúy ẩn giấu đằng sau câu chuyện hài này. Câu chuyện như sau:
Hai vị sư nọ là bạn rất thân khi còn sống. Sau khi chết, một người tái sinh làm thiên thần trên cảnh trời, và một người tái sinh thành con giòi trong đống phân bò.
Vị thiên thần kia một hôm nhớ lại bạn cũ và muốn biết bạn mình tái sinh nơi nào. Ông ta bay khắp cõi trời của mình để tìm nhưng không thấy. Sau đó ông bay lên các tầng trời khác để tìm và cũng không thấy. Ông bèn dùng thiên nhãn nhìn xuống nhân gian nhưng cũng không thấy. Ông nghĩ: “Chẳng lẽ bạn mình tái sinh trong cảnh thú vật hay sao?”
Tuy vậy, ông cũng đảo mắt tìm cầu may, nhưng không thấy. Chưa nản chí, vị thiên thần thử tìm trong cảnh giới của loài côn trùng xem sao. Và ngạc nhiên thay, ông tìm thấy bạn cũ tái sinh làm giòi trong một đống phân bò hôi thối.
Tình bạn giữa hai người thủa xưa rất sâu đậm khiến vị thiên thần cảm thấy thương xót và muốn ra tay cứu bạn ra khỏi kiếp đọa đầy.
Thế rồi vị thiên thần hiện xuống ngay trước đống phân và gọi:
– Ê, bạn giòi ! Có nhớ tôi là ai không? Kiếp trước chúng ta từng là bạn thân xuất gia tu hành chung với nhau. Tôi tạo nhiều phước lành nên được tái sinh lên trời, trong khi bạn lại tái sinh trong đống phân bò. Nhưng bạn đừng lo, tôi có thể đem bạn lên trời với tôi. Nào bạn cũ, hãy bò ra đây.
– Khoan đã – con giòi nói bằng ngôn ngữ của nó, nhưng nhờ thần thông vị thiên thần vẫn có thể hiểu và nói chuyện qua lại – Trên cảnh trời có gì đặc biệt mà bạn mời tôi lên đó? Tôi rất hạnh phúc sống trong đống phân thơm ngon này. Cảm ơn bạn.
– Bạn không hiểu – vị thiên thần cố gắng tả cảnh huy hoàng lộng lẫy, sung sướng của cảnh trời cho con giòi nghe.
– Nhưng trên đó có phân bò không?- Con giòi hỏi ngay vào vấn đề.
– Đương nhiên là không – vị thiên thần nhăn mặt nói.
– Vậy thì tôi không đi – con giòi kiên quyết trả lời- đừng nói nhiều nữa.
Nói xong nó lại chúi đầu vào phân. Vị thiên thần nghĩ nếu có thể làm cho con giòi nhìn tận mắt cảnh trời thì may ra nó hiểu, nên ông đến nín thở, thò tay vào đống phân tìm con giòi lôi ra.
-Ê, buông tôi ra! Thả tôi ra ! – con giòi la lớn- Cứu tôi với! Cứu tôi với! Tôi đang bị bắt cóc !
Con giòi giãy giụa, quặn người trượt ra khỏi tay thiên thần, và chui tọt vào đống phân trốn.
Vị thiên thần tốt bụng kia lại nín thở, thò tay vào đống phân lần nữa để lôi con giòi ra. Ông chụp được nó, nhưng vì nhơ nhớp, trơn tuột nên nó lại thoát lần thứ nhì và chui sâu hơn vào đống phân.
108 lần vị thiên thần tìm cách lôi con giòi ra khỏi đống phân hôi thối, nhưng nó đều giẫy giụa xảy thoát, chui trở lại đống phân.
Cuối cùng vị thiên thần đành bỏ cuộc bay về, mặc cho con giòi sống với “đống phân yêu dấu của nó”.
__________
Một câu hỏi được đặt ra: vì sao con giòi không muốn lên trời ?
Phải chăng ở trên trời không được sung sướng ? Không phải, rõ ràng làm một thiên thần sống trên thiên giới phải sung sướng hơn làm một con giòi sống trong đống phân chứ? Điều này không thể chối cãi.
Vậy tại sao? Hay là vì con giòi chưa có khái niệm về những sự sung sướng của cõi trời ?
Nếu vậy, ta có thể giải thích cho nó hiểu !
Tuy nhiên, vị thiên thần kia chẳng phải cũng đã cố giải thích cho nó sao ? Tại sao cuối cùng nó vẫn không hiểu?
Đó chính là vì sự CỐ CHẤP của con giòi. Ở trong đầu nó, luôn cố bám chấp vào một quan niệm rằng: “Phân là thứ tốt nhất trên đời”.
Nghĩ như vậy rồi, nó sẽ phát triển thành một hệ tư tưởng cho rằng, ở đâu có phân, ở đó có hạnh phúc. Không có phân, thà chết chứ không nên đến đó.
Đã ôm chặt quan niệm này rồi, thì ai giải thích hay như thế nào, con giòi cũng sẽ bỏ ngoài tai tất cả mọi lý luận, bất chấp nó đúng sai. Đừng nói một thiên thần, chứ cả 1.000 thiên thần giải thích con giòi vẫn không có nghe, một khi nó đã khóa trái cái lỗ tai nó lại.
Bạn cho rằng con giòi thật ngu xuẩn, nhưng nó không nghĩ vậy. Trong đầu nó, thì nó mới là người đúng, còn lại ai khác quan điểm với nó thì là sai. Đây là bản chất của bệnh cố chấp.
Nó giống như những song sắt, giam nhốt tư tưởng con người ta lại, không thể học hỏi những khái niệm cao hơn, mở rộng lên những chân trời mới.
Căn bệnh cố chấp này không phải chỉ con giòi này mới có. Mà nó là một căn bệnh khá phổ biến. Thậm chí, không biết bạn ra sao nhưng, nói thật… Tôi cũng bị bệnh này.
Hễ trong đầu tôi nghĩ ra điều gì, thì tôi cho nó là đúng. Ít khi tôi kiểm tra lại là điều đó có thật sự đúng hay không. Và lâu lâu tôi bị THỰC TẾ cho tôi những cái tát vào mặt, rằng tôi đã sai bét.
Ví như hồi trước tôi không tin có bói toán, và cho rằng đó là những trò bịp bợm. Tôi là một người theo chủ nghĩa khoa học, mọi thứ đều có thể dùng khoa học để giải thích, đừng ai hi vọng đem bói toán mà hòng bịp tôi.
Thế rồi một lần, anh trai tôi ngồi nói chuyện với bạn của ông ấy, tôi ngồi cạnh nghe, ông ấy đi coi bói, bà thầy bói nói rằng: “10 ngày nữa cậu sẽ gặp chuyện đao kiếm đổ máu, hãy cẩn thận”.
Anh tôi nghe vậy cũng chẳng tin, cho rằng bà này hù mình kiếm tiền. Anh tôi kể tiếp: “ Quái lạ thế nào, 10 ngày sau tôi gây gổ và đánh nhau với người khác đổ máu thật”
Không lẽ bà thầy bói kia có thể thao túng chuyện người này gây gổ đánh nhau với người khác chính xác từng ngày tháng như vậy sao? Mà người nổi nóng gây gổ trước là anh tôi, chứ không phải người ta. Nếu anh tôi không gây gổ trước thì cũng chẳng có chuyện đánh nhau.
Nếu cứ khăng khăng cho rằng bà thầy bói kia thao túng đằng sau, thì thật vô lý, bà ta làm vậy để kiếm mấy chục ngàn lẻ sao ? Dù muốn thế thì bà ta đâu có quyền lực như vậy, nếu có quyền lực đó thì bà ta đã làm trùm giang hồ thu tiền bảo kê không sướng hơn làm thầy bói kiếm bạc lẻ sao? Suy xét logic kiểu nào cũng không đúng, vậy làm sao bà ấy có thể nói đúng tương lai ?
Đơn giản, vậy là tôi đã sai, bói toán không phải là một trò bịp bợm.
Chuyện anh tôi đánh nhau đổ máu quả thực đã xảy ra, nó là THỰC TẾ. Và tôi không thể bịt mắt trước thực tế đó, trừ khi tôi là một thằng mù, hoặc một thằng ngu. Cũng may tôi không bị mù, và cũng không ngu đến mức cho rằng chuyện anh tôi đánh nhau đó là do bà thầy bói dàn dựng. TÔI CHẤP NHẬN MÌNH ĐÃ SAI LẦM.
Cảm giác khi thực tế chứng minh rằng mình đã sai, nó không dễ chịu một chút nào. Đã vậy còn phải thừa nhận rằng mình đã sai, quả là rất khó khăn. Nhưng chỉ có cách đó, tôi mới có thể tiến vào những chân trời mới của tri thức. Nhờ dũng cảm chấp nhận mình sai, rằng bói toán thật sự có cơ sở của nó chứ không phải bịp bợm, vài năm sau, tôi còn học thành công môn Mai Hoa Dịch Số, một phương pháp dự đoán nổi tiếng của người Trung Quốc.
Không những thế, kinh nghiệm nhận sai để có thể học hỏi những tri thức mới lần đó, đã hình thành một thói quen, giúp tôi rất nhiều trên con đường học hỏi chân lí sau này.
Đạo Phật có rất nhiều giáo lý đi ngược lại với quan niệm của thế gian. Ví như người đời cho rằng hưởng thụ tiền tài, danh vọng, quyền lực hay có vợ đẹp con ngoan, gia đình hạnh phúc … Là điều quan trọng nhất. Nhưng giáo lý Đạo Phật thì lại cho rằng những thứ đó chỉ là phù phiếm. Đức Phật dạy: “ Những dục lạc thế gian, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn”.
Tôi là một kẻ trần tục, thậm chí trần tục đến mức trần trụi, nên trước khi học Phật Pháp, tôi cũng cho rằng hưởng thụ tiền tài, danh vọng, quyền lực hay vợ đẹp con ngoan, gia đình hạnh phúc … Là điều quan trọng nhất. Khi đọc đến giáo lý Đức Phật dạy trên kia, tôi cũng bị khựng lại, nó trái với quan niệm của tôi.
Bây giờ làm sao, nếu như chưa từng có kinh nghiệm chấp nhận “mình có thể sai”, tôi sẽ chối bỏ, phủ nhận lời của Phật. Và khăng khăng mình đúng, rằng hưởng thụ mới là chân lí, ai nói khác đi là sai.
Nếu vây, tôi sẽ không khác gì con giòi trong câu chuyện trên, khăng khăng với chân lí “phân mới là thứ quý nhất”, không ai giải thích cho thông não được. Và thế thì đừng hi vọng gì mà học được những giáo lí tuyệt vời của Phật, đừng hi vọng gì mà dùng Phật Pháp thay đổi số mạng, hay chữa bệnh không cần thuốc, hay giải hạn tận gốc.v.v…
May sao, tôi đã có kinh nghiệm rằng mình có thể sai, rằng không phải hễ ai trái với quan điểm của mình thì là họ sai.
Hãy bình tình nhìn lại THỰC TẾ, những câu chuyện xảy ra trong thực tế được, thì nó luôn chứa đựng sự thật. Và tôi thử theo lời Đức Phật nói, mà nhìn lại thực tế, xem có đúng không.
Không ngờ, càng nghiên cứu nhiều câu chuyện, từ những người bình dân lo cuộc sống cơm áo gạo tiền qua ngày, đến những vị vua chúa, hoặc những bá chủ thế giới như Thành Cát Tư Hãn, Alexander Đại Đế…đã đạt đến đến tột đỉnh vinh quang, quyền lực, nhưng rồi thì ai cũng vẫn phải chịu đựng những nỗi khổ cơ bản: sinh -lão -bệnh -tử, vẫn cứ phải chịu đủ thứ đau khổ, nghèo khổ kiểu nghèo, giàu khổ kiểu giàu, dân khổ kiểu dân, vua khổ kiểu vua, mọi vui thú chỉ là thoáng chốc, còn khổ đau thì lại quá nhiều và nối nhau dai dẳng, ai cũng vậy không có ngoại lệ.
Vậy là Đức Phật đã đúng, tôi sai. Do có kinh nghiệm nhiều lần nhận sai, nên tôi dễ dàng chấp nhận hơn. Và nhờ thế, tôi đã thoát khỏi căn bệnh cố chấp của con giòi kia, và bước vào một chân trời mới với bao la những giáo pháp vi diệu, có thể thông đạt được những bí mật đẳng sau sự thành bại, được mất của cuộc đời, có thể xoay chuyển số mệnh, có thể nắm rõ con đường dẫn đến những cảnh giới cao hơn, an lạc hơn…
Trở lại chuyện con giòi, có thể bạn cảm thấy rất buồn cười vì sự ngu xuẩn của nó. “ Sao lại có thể từ bỏ cõi trời chỉ vì vì một đống phân chứ?”
Chúng ta nghĩ như vậy, bởi vì chúng ta có tầm nhìn cao hơn con giòi rất- rất nhiều lần. Chúng ta có thể hiểu được thực sự chênh lệch giá trị giữa thiên đàng với một đống phân bò. Và cảm thấy nực cười khi con giòi thà chết không rời khỏi đống phân.
Thậm chí vàng bạc, vinh hoa phú quý của nhân loại còn chẳng thể so sánh với thiên đàng, mà cái con giòi ngu xuẩn kia lại nghĩ rằng thiên đàng không có bằng “đống phân bò yêu dấu” của nó. Buồn cười thật. Chúng ta muốn khuyên nó rằng : “Nếu khôn ngoan ra thì phải ngay lập tức từ bỏ đống phân bò, mà theo vị thiên thần lên trời hưởng sung sướng chứ?”
Nhưng khoan đã, chúng ta vừa nhắc đến gì nhỉ ? Vàng bạc, vinh hoa phú quý… của loài người. Hình như có một sự liên hệ giữa đống phân của con giòi, với vinh hoa phú quý cũng như những dục lạc khác của loài người thì phải ?
Chẳng phải Đức Phật đã nói các dục lạc thế gian chỉ là phù phiếm, không đáng giá gì khi so với niềm an lạc của sự Giải Thoát Giác Ngộ sao ? Nhưng đại đa số thế gian nghe câu nói này của Phật, thì đều mơ hồ và không tiếp thu sao ?
Tình cảnh này y hệt như khi vị thiên thần cố giải thích cho con giòi về những sự sung sướng của thiên đàng, nhưng nó không thể tiếp nhận được, đã vậy còn quay ngược lại hỏi: “Thế thiên đàng có phân bò không ?”
Rất nhiều người khi tìm hiểu về Đạo Phật, thấy rằng Đạo Phật chủ trương từ bỏ tiền tài, danh vọng, quyền lực, yêu đương, hôn nhân gia đình…, để hướng về những cảnh giới siêu hình nào đó gọi là Giải Thoát, là Giác Ngộ, là Tịnh Độ, là Niết Bàn, thì đã cười khẩy mà bỏ đi. Đi để tìm con đường dẫn đến tiền tài, danh vọng, quyền lực, yêu đương, hôn nhân gia đình.v.v…nói chung là dục lạc thế gian.
Chúng ta nhìn con giòi chìm đắm trong đống phân bò, thì buồn cười và nhìn nó bằng ánh mắt thương hại vì hiểu biết thấp kém của nó. Nhưng hình như các bậc Thánh đạt đến cảnh giới giải thoát cũng đang nhìn chúng ta – những con người chìm đắm trong dục lạc thế gian với một ánh mắt thương hại y như vậy.
Chúng ta có thể cho con giòi một lời khuyên: “Nếu khôn ngoan ra thì phải ngay lập tức từ bỏ đống phân bò, mà theo vị thiên thần lên trời hưởng sung sướng chứ?”
Vậy còn loài người chúng ta, TA DÙNG LỜI KHUYÊN NÀO CHO CHÍNH CHÚNG TA ĐÂY ??
( Quang Tử)