“Tất cả các pháp hữu vi
Khác nào mộng huyễn, khác nào điện, sương
Như bóng nước như ảnh tượng
Xét suy như thế cho thường chớ quên”
(Trích Kinh Kim Cang)
Đây là 4 câu thơ cuối trong Kinh Kim Cang do Đức Phật thuyết, 4 câu này rất nổi tiếng, nhưng tôi cũng như rất nhiều người khác, đọc đi đọc lại vẫn không hiểu gì cả, chỉ cảm thấy thích thích vì những lời Phật dạy toát ra vẻ cao siêu vô cùng.
Thỉnh thoảng thầy của tôi có phân tích, giảng giải, nhưng tôi vẫn chưa thể thực sự lĩnh ngộ.
Cuối cùng, sau khi trải qua một giấc mơ đặc biệt, thì tôi đã giải mã được 4 câu thơ huyền thoại ấy, không phải hoàn toàn thì ít nhất cũng được vài phần, thế thôi thì cũng đủ khiến tất cả những mịt mù trong tôi tan biến.
Tôi kể lại với các bạn giấc mơ này:
“Trong giấc mơ ấy tôi cùng rất nhiều người đang ngập trong biển nước. Trên một con tàu lớn , có nhiều phòng, có thể hình dung như tàu Titanic.. Tôi dùng hết sức bơi như chưa bao giờ được bơi. Bởi lẽ để sống xót thì phải tìm đường thoát ra khỏi con tàu này thì mới gặp được cứu hộ.
Tôi phải mở rất nhiều cánh cửa trong các căn phòng để tìm đường , mà cánh cửa nào cũng rất nhiều xác chết nổi lềnh bềnh, thậm chí đã bốc mùi ghê tởm trong nước. Một cảnh tượng thật kinh hoàng, một con tàu chết! Cơn sợ hãi lên đến cùng cực làm tôi càng có ý chí vùng vẫy thoát khỏi nơi đó. Và trong mơ thật may mắn, cuối cùng tôi cũng ra được con tàu ấy , lên tới mặt nước.
Xung quanh có rất đông người cũng thoát ra được như tôi, và mọi người đang giơ tay lên để nắm lấy tay những người cứu hộ.”
Đến đây tôi tỉnh giấc, khác với mọi khi là nằm xuống ngủ tiếp, bỗng dưng tôi nảy ra một số câu hỏi, và nhờ thế, tôi đã tìm ra “mật mã” để giải được 4 câu thơ huyền bí kia. Điều này mang một ý nghĩa hết sức to lớn, không phải chỉ với mình tôi đâu, mà nó thực sự sẽ giúp cho bạn rất nhiều.
Lúc nãy trong giấc mơ, mọi thứ đều hết sức chân thật, sống động, không khác gì lúc tỉnh táo. Hình ảnh sắc nét, âm thanh rõ rệt, mọi sự chạm xúc y như thật, các cảm xúc, ý nghĩ, hành động không khác gì cuộc sống thật. Chính vì thế, trong mơ, tôi khẳng định rằng cảnh chìm tàu đó là thật, thế nên tôi rất sợ.
Ấy thế mà, vừa tỉnh giấc một cái, mọi thứ biến mất. Hóa ra, cái mà ban nãy trong mơ tôi TƯỞNG LÀ THẬT đó, hoàn toàn chỉ là CẢNH ẢO.
Hình ảnh rõ mồn một ấy, âm thanh sống động đập vào tai ấy, cảm giác sờ chạm mọi vật, tâm lí hoảng loạn, cùng những động tác bơi, lặn ấy, những việc tôi đã làm ấy… tất cả đều không hề tồn tại, chỉ là HUYỄN HÓA mà thôi.
VẬY CÁI GÌ LÀ THẬT ?
Có phải cuộc sống khi chúng ta tỉnh dậy này là THẬT ? Trước giờ, theo thói quen tôi vẫn cho rằng như thế, chắc bạn cũng giống như tôi, cũng như mọi người ai cũng cho rằng như vậy.
Nhưng có chắc chắn như vậy không ?
Trong quá khứ, tôi đã trải qua rất nhiều chuyện trong đời. Tất nhiên đó hẳn phải là sự thật rồi, giờ tôi nhớ lại quá khứ, và đồng thời so sánh với giấc mơ vừa trải qua. Ồ, chúng rất giống nhau.
Nếu như trong cảnh thật của quá khứ, có hình ảnh, âm thanh, chạm xúc, mùi vị, có cảnh, có chuyện này chuyện kia, có các vấn đề… ( đạo Phật gọi là sắc, thanh, hương, vị, xúc, Pháp) thì trong giấc mơ cũng có đủ mọi thứ, có khi rõ nét, có khi mờ nhạt, nhưng vẫn là có đủ cả.
Nhất là giấc mơ vừa rồi, hình ảnh nước tràn ngập khắp nơi, nỗi sợ của tôi, nỗ lực bơi để thoát khỏi cái chết của tôi, nó còn thật hơn cả khi tôi tỉnh nữa.
Trong quá khứ, khi gặp những vấn đề trong đời sống, tôi có thể suy nghĩ. Trong mơ tôi cũng suy nghĩ được. Trong quá khứ, tôi có thể hành động, làm việc này việc khác, gặp người này người kia, yêu ghét, hỉ nộ ái ố.v.v… Trong mơ, tôi cũng làm được.
Trong những cảnh quá khứ, tôi cho rằng mọi thứ là thật. Thế thì trong mơ, tôi cũng nghĩ mọi thứ là thật, chẳng khi nào nằm mơ mà tôi biết mình đang mơ cả.
Và bây giờ, nhìn lại 2 thứ : quá khứ và giấc mơ, chúng đều đã tan biến, thật hay giả gì thì giờ cũng không còn, cái sót lại chỉ là chút kí ức lưu trong tâm, một lúc nào đó tôi quên đi mất thì dù là quá khứ thật đã xảy ra, hay cảnh mộng trong tâm, đều chẳng còn lại gì. Như vậy, chúng cũng giống nhau thôi.
Bây giờ tôi biết vụ đắm tàu kia là ảo, chắc chắn rồi, tôi không cần sợ gì hết. Nhưng chẳng phải quá khứ của tôi cũng thế sao ?
Tôi là người theo chủ nghĩa luân hồi, không phải tôi theo bằng niềm tin, mà là tôi biết điều đó, vì đã đọc qua nhiều sách, chứng kiến nhiều việc về luân hồi. Ở đây tôi không chứng minh việc này với các bạn, hãy để lúc khác, hoặc bạn có thể tìm hiểu ở những sách khác.
Cái tôi muốn nói là, kí ức về những kiếp trước của tôi, hoàn toàn không có gì. Chúng là quá khứ tôi đã trải qua, vậy mà giờ không sót lại gì, còn thua cả giấc mơ, vì ít nhất tôi có thể nhớ lại được chuyện trong mơ, còn kiếp trước lại chẳng nhớ gì.
Giả sử, tôi tu luyện đến một mức nào đó, có thể nhớ được tiền kiếp. Ồ, thật tuyệt. Nhưng… chẳng phải chúng cũng không hơn gì những kí ức về giấc mơ sao ?
Tôi không thể nào quay lại quá khứ, cũng giống như không thể mơ lại lần nữa giấc mơ kia. Mọi thứ trong mơ, tỉnh dậy không thể sở hữu được, rõ ràng như thế, người ta hay có câu “vàng trong mộng” để ám chỉ điều này.
Nhưng những thứ tôi đã có trong quá khứ, chúng được coi là thật đấy, vậy mà đâu có khá hơn gì, bây giờ tôi không thể lôi ra mà tiếp tục sử dụng được, 2 cái này như nhau, bạn hãy ngẫm nghĩ kĩ điều này, nó rất quan trọng. Đức Phật gọi là “bất khả đắc”, nghĩa là không thể có được, không thể sở hữu được.
Tôi biết một chị, chị ấy nhớ lại được kiếp trước từng là hoàng hậu, cuộc sống vương giả đầy vàng bạc sung sướng. Nhưng giờ chị ấy đã đầu thai một kiếp khác, làm một người bình thường. Chị ấy không thể nào lấy lại được những vàng bạc, quyền uy, thân thể, tài năng… kiếp trước ra mà tiếp tục sử dụng được. Chúng đã tan biến, y như mọi thứ trong giấc mộng, cũng đã tan biến, 2 cái tan biến này giống hệt nhau, không khác, đúng là BẤT KHẢ ĐẮC.
Nãy giờ chúng ta đã nói về quá khứ, ngồi ở thì hiện tại mà nhận định, chúng cũng không hơn gì giấc mộng. Vậy còn hiện tại và tương lai ???
Cái hiện tại bây giờ, chẳng phải cũng sẽ biến thành quá khứ vào ngày mai sao ? À không, chỉ vài giây, vài phần trăm giây sau, sẽ lập tức biến thành quá khứ sao ? Còn tương lai, rồi thì chúng cũng sẽ trở thành hiện tại, và cuối cùng thành quá khứ. Tất cả cùng một bản chất.
Quá khứ – hiện tại – tương lai, chúng chỉ giống như những phân cảnh nối tiếp nhau trong MỘT GIẤC MƠ BẤT TẬN. Mọi thứ trong đó, tiền tài, danh vọng, gia đình, bạn bè.v.v.. kể cả thân xác này, kể cái gọi là “TÔI” này, luân phiên xuất hiện, để rồi luân phiên biến mất, đều là BẤT KHẢ ĐẮC – không thể sở hữu được.
Kiếp này, giả sử tôi gọi một cái thân xác người nữ tên Mai, người Việt Nam là “TÔI”, cái TÔI này thích những chàng trai, thích làm đẹp.
Kiếp sau, mọi chuyện đã khác, lúc ấy có thể tôi đã là một người đàn ông ở Mĩ, ở Úc, hay ở đất nước xa xôi nào đó, với một cái tên khác hẳn, giả sử là David chẳng hạn, khi ấy thì David mới thật là “TÔI”, cái tôi này đã khác trước, giờ nó thích những cô gái, thích World Cup.
Kiếp sau nữa, mọi chuyện lại thay đổi, David chết, giả sử đầu thai thành một con mèo đực (chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra), lúc đấy mèo mới chính là “TÔI” – không tên, không biết nói tiếng người, suốt ngày “meo meo”, không còn thích con trai hay con gái nữa, mà thích mèo cái, không quan tâm World Cup hay make up nữa, mà thích chuột.
Trong 3 cái “Tôi” ấy : Mai – David – con mèo, cái nào thật ?
Đây là giả sử 3 kiếp, nhưng thực tế thì tôi, cũng như bạn, như mọi người khác đều có vô số kiếp sống cả. Khi ở trong kiếp nào, thì tôi cho rằng cái đó là “TÔI”, nhưng cái “TÔI” ấy lập tức biến mất khi qua một kiếp sống khác, mọi thứ thân xác của tôi, tài sản của tôi, gia đình của tôi, chồng con của tôi, giới tính của tôi, sở thích của tôi, tài năng của tôi, đất nước của tôi… tất tần tần cũng sẽ lập tức tan biến. Không hề có một cái gì CÒN ĐÓ mãi cả.
Ồ, giờ thì tôi đã hiểu, Đức Phật nói “ vô thường” nghĩa là gì, mọi thứ không có cái gì tồn tại mãi cả, chúng đều là những hình tướng biến đổi không ngừng, thay thế cho nhau, luân phiên soán chỗ nhau, mà không một cái gì vĩnh cửu. Ấy vậy mà tôi cứ quá quan trọng chúng, hỉ – nộ – ái – ố theo chúng mà chuốc lấy phiền muộn.
Ai khen tôi đẹp, tôi vui. Ai chê tôi xấu, tôi buồn. Nhưng xấu hay đẹp gì thì chẳng phải đều sẽ chết, mục rã thành xác thối, thành xương, tan dần thành bụi sao ? Qua kiếp sau rồi đều quên hết sao ? Vậy buồn vui đó đâu có ý nghĩa gì.
Được thêm cái gì, tôi mừng. Mất đi cái gì, tôi tiếc. Nhưng chẳng phải mỗi kiếp trôi qua, mọi thứ đều biến mất, thậm chí tôi còn chẳng nhớ mình đã có gì, mất gì. Chỉ là những cảnh ảo mộng huyễn hóa, được rồi sẽ mất, ngẫm ra chưa bao giờ được, như “vàng trong mộng”, vốn chưa bao giờ được, vì nó có thật đâu.
Vậy sao phải chạy theo chúng, bám chấp lấy chúng để bùng lên những tham vọng điên cuồng, rồi chuốc lấy những mất mát chua xót, đau khổ ? Hiểu được điều này, tôi thấy thật nhẹ nhõm, giống như trút xuống một gánh nặng vô hình nào đó trước nay vẫn đè lên tâm hồn. Tất nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ thôi, chứ không phải tất cả, nhưng cũng ý nghĩa lắm rồi.
Đức Phật gọi đó là “ điên đảo mộng tưởng” quả không hề sai. Tôi đã tỉnh giấc mơ bị đắm tàu. May mắn sao, giấc mơ ấy lại khiến tôi tỉnh cả cái giấc mơ mang tên “cuộc đời” này. Tuy nhiên còn rất nhiều nghi vấn khác xung quanh vấn đề này, vì tôi cũng chỉ là mới bắt đầu thôi.
Trên kia mới chỉ là một ý trong vô số ý của kinh Kim Cang, mà kinh Kim Cang cũng chỉ là một trong số rất nhiều kinh điển của Đức Phật. Tôi biết tôi còn phải học rất nhiều, rất rất nhiều nữa. Nhưng ít nhất, tôi cũng đã chạm được vào một cái mốc quan trọng trong hành trình tâm linh vô số kiếp.
Hi vọng tôi sẽ còn có thể chia sẻ cùng các bạn trong một bài viết khác, cùng viết về một chủ đề “giấc mộng” này. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu sâu hơn, xin cmt phía dưới, nói lên thắc mắc của bạn để chúng tôi viết tiếp những phần tiếp theo cho phù hợp.
(Diệu Ngọc)