Mấy ngày nay Lan luôn mơ thấy ác mộng, đó là cảnh chia tay giữa Lan và Dũng, trong mộng lan khóc lóc đau khổ rất thương tâm, thậm chí tỉnh dậy vẫn còn khóc. Lan bị ám ảnh vì cuộc chia tay với người bạn trai gần đây.
Cô có quen biết một cư sĩ đã khai mở thiên nhãn, có thể thấy được tiền kiếp của mọi người, tên là Phổ Tường, cô hẹn gặp Phổ Tường nhờ quán sát nhân quả, cô muốn biết nguyên nhân thật sự vì sao hai người không thể đến được với nhau ?
Mối tình của Lan và Dũng tính đến nay đã được 6 năm, suốt thời gian sống chung với nhau, Dũng đối với Lan một bề yêu thương, chiều chuộng. Anh chăm lo chu đáo từ vật chất tới tinh thần, lúc nào cũng hết lòng với Lan.
Có lẽ do Dũng đối với Lan quá tốt khiến Lan trở nên kiêu kỳ, đáp lại sự chăm sóc của Dũng là thái độ đanh đá, hay cáu gắt của Lan.
Do ỷ vào sự cưng chiều của Dũng, Lan phát sinh tâm tham lam, cô tha hồ tiêu sài hoang phí để cho Dũng chi trả, lòng ích kỷ cũng gia tăng cùng với tính kiêu căng. Lan tự cho mình là trung tâm vũ trụ, chỉ cần có chút phật ý nhỏ thôi là cô lớn tiếng quở trách Dũng không tiếc lời, và thường hay giận dỗi ôm đồ bỏ đi.
Suốt 6 năm chung sống, Lan luôn tái diễn cảnh hễ giận là bỏ nhà ra đi, sau đó lại quay về. Như vậy không biết bao nhiêu lần, giữa Dũng và Lan cứ diễn mãi như thế, chia tay rồi tái hợp, hợp rồi chia tay, đây là chuyện xảy ra như cơm bữa trong tình sử của họ, riết rồi đôi bên đều mệt.
Lần cuối cùng chia tay, trong cơn tức giận, Lan cũng diễn lại cảnh cũ, từ nhà Dũng cô ôm đồ, vùng vằng bỏ ra đi. Khi ấy vì muốn thoát khỏi bao phiền não thống khổ đang vây hãm, Lan quyết tìm đến Phật pháp.
Cũng chính từ đó, Lan đã biết hồi tâm thức tỉnh. Cô nghe rất nhiều những bài giảng giáo lý Phật Pháp, dần dần cô thấy rằng mình đã sai, phát sinh ý niệm sám hội, chịu thay đổi tu sửa.
Khi đã tỉnh ngộ, Lan mới nhìn ra những ưu điểm hiếm quý hơn người nơi Dũng, và phát hiện rằng anh đã hi sinh, khoan dung, đã chăm lo cho mình nhiều biết là bao nhiêu.
Khi đã nhìn ra lỗi mình và thấy rõ những đức tính hiếm quý nơi Dũng, Lan quyết định quay về nối lại bản tình ca giang dở với Dũng.
Ây nhưng đời không như là mơ. Những tưởng khi Lan quay về nhà, Dũng sẽ giống như bao lần trước đây, giang đôi tay bao dung đón Lan thì… thật bất ngờ, anh nói “không” một cách lạnh lùng.
Tính Dũng xưa nay vốn luôn ôn nhu hiền hậu, một bề nhường nhịn Lan, thế mà lần này Dũng bỗng đổi thay hẳn, anh cương quyết cự tuyệt Lan. Không những cư xử đối với Lan như người lạ mà ngay cả khi bắt điện thoại, hễ vừa nghe đến tên Lan thì anh phản ứng gay gắt là như mình gặp phải ôn dịch và tỏ ra oán ghét Lan vô cùng.
Tình cảm si mê say đắm thuở nào giờ đây đã biến mất hoàn toàn, nơi Dũng chỉ còn lại thái độ lạnh lùng, tàn nhẫn, phũ phàng.
Điều này khiến Lan bị sốc, và vô cùng suy sụp, cô nghĩ mãi cũng không thể nào hiểu được: vì sao anh trai xưa kia đối với mình tình thâm nghĩa trọng bây giờ lại có thể cư xử cực kỳ vô tình, lạnh lùng sắt đá ngoài sức tưởng như thế. Sự thay đổi ấy có cái gì đó rất lạ, và Lan muốn biết một câu trả lời thỏa đáng.
Sau khi cư sĩ Phổ Tường quán sát nhân quả xong, thì phát hiện câu chuyện nhân quả giữa họ như sau. Phổ Tường chậm rãi kể lại:
– Cách đây khoảng 570 năm, tiền kiếp của Lan là một cô gái xinh đẹp con của một gia đình bậc trung, cư ngụ nơi một tiểu trấn nọ.
Thời đó còn theo nền lễ giáo phong kiến nặng nề, lại gặp cha mẹ khó tính, nên con gái không được tùy tiện ra ngoài, do vậy mà Lan thường phải ru rú trong nhà, được cha mẹ giao cho việc trông coi nhà cửa mà thôi. Nhà Lan cũng không phải giàu có gì, nhà chỉ nuôi mỗi một con heo để tăng gia.
Do sống trong cảnh cô đơn không ai bầu bạn, nên những khi buồn Lan chỉ biết ra chuồng heo tỉ tê,tâm sự trò chuyện cùng heo, vuốt ve và cho nó ăn. Lan đối với con heo như người bạn thân thiết. Cô chủ nhỏ hết lòng chăm sóc, yêu thương heo như người ta chăm thú cưng.
Thời gian trôi qua tình bạn giữa người và vật càng thêm sâu đậm. Đôi bên hiểu nhau tới không cần nói bằng lời.
Mỗi sáng Lan thường tới chuồng heo gọi yêu: “Heo lười ơi, dậy chưa nào?”.
Heo tuy là súc sinh nhưng cũng hiểu ý Lan, mỗi khi nghe Lan gọi, trong lòng tràn ngập lòng hạnh phúc và nó thường nũng nịu với cô chủ.
Nhưng khi đó Dũng chỉ là con heo, mà heo thì không phải là nuôi làm cảnh, bố mẹ Lan chỉ xem nó là thức ăn thôi. Vậy nên, chờ đến dịp tết, con heo bị bố mẹ Lan đem ra mổ thịt ăn. Phận làm con, Lan cũng không thể cản được.
Vì chuyện này Lan buồn đến đổ bệnh. Đến khi bàn tiệc mừng năm mới bày ra, với món chính là thịt của chú heo yêu quý, Lan không muốn ăn chút nào.
Nhưng bố mẹ, rồi mọi người đều khuyên Lan là chẳng nên bỏ bữa khi năm mới đến. Thế nên Lan cũng miễn cưỡng ngồi vào bàn dùng bữa với gia đình, và cuối cùng cô cũng đã ăn một miếng thịt chú heo tội nghiệp, mà sau nhiều kiếp, giờ đã đầu thai thành người, tên là Dũng.
Tuy chỉ ăn một miếng, nhưng từ đó về sau Lan cảm thấy chán ngán không bao giờ muốn ăn thịt nữa. Khi một hạt giống đã gieo trong tàng thức thì về sau thảy đều sẽ sinh sôi nảy mầm. Qua kiếp này, khi chứng kiến cảnh động vật bị làm thịt máu tuôn đầm đìa, thì lập tức Lan hạ quyết tâm thề dứt trừ ăn mặn ngay.
Phần con heo sau khi chết đi rồi, thần thức nó ôm đầy hận oán đối với Lan và gia đình cô, vì Lan bất lực chỉ biết đứng nhìn nó bị giết mà khóc, và cuối cùng thì cũng đã ăn thịt nó.
Kết quả sau bao kiếp luân hồi thì cuối cùng đời này, duyên nghiệp vô hình nhưng mạnh mẽ, đưa Lan gặp Dũng, rất nhanh, hai người trở thành một đôi uyên ương yêu thương quấn quýt.
Do Lan kiếp xưa đối với heo Dũng hết lòng chăm sóc nên thành cái ân, thành một món nợ. Vì vậy mà đời này trong thời gian yêu nhau, Dũng thấy mình yêu Lan đến cuồng dại, bất luận Lan vô lí và dằn vặt anh hết lần này đến lần khác, tiêu xài hoang phí, nhưng anh vẫn có thể bỏ qua hết để mà tiếp tục chiều chuộng, săn sóc cho Lan, đó là để báo ơn xưa.
Nhưng ân nợ đó đâu có phải vô tận, trả mãi thì cũng sẽ đến lúc hết thôi. Và khi nợ hết rồi, thì sẽ tính đến việc khác.
Kiếp xưa khi chú heo bị làm thịt, Lan do vì nể mọi người trong nhà, nên cũng đã có ăn một miếng thịt. Linh hồn chú heo, ẩn khuất đâu đó chứng kiến cảnh ấy, chắc cũng hận ghê lắm.
Kiếp này, vào lần cuối cùng Lan rời bỏ Dũng ra đi, rồi lại đổi ý muốn quay về. Lúc này trong lòng Dũng đã có một sự chuyển biến lớn.
Anh ta không còn thấy tình yêu như cuồng như dại trước kia đâu nữa. Tình cảm ấy vốn do nhân quả, do nợ quá khứ mà ra, nay nợ hết thì nó cũng biến mất. Nhường chỗ cho một duyên nghiệp khác, Dũng bỗng thấy mình căm ghét Lan đến kì lạ.
Anh sẽ nghĩ ra rất nhiều lí do trong đầu, rằng Lan là một con người ích kỉ, kiêu kì, một cô gái tồi, không xứng đáng với chân tình của anh,v.v… đủ thứ lí do để chia tay.
Xong hẳn anh cũng không hề biết những ý nghĩ ấy vốn do nhân quả âm thầm điều khiển, và anh chỉ làm theo những gì nghiệp duyên sắp đặt. Và lần này anh đã cương quyết nói không, chia tay dứt điểm với Lan, thậm chí, không biết từ đâu anh còn thấy mình căm ghét Lan ghê gớm.
Nếu như vào thời quá khứ Lan không ăn một miếng thịt của chú heo, tiền kiếp của Dũng, thì có lẽ câu chuyện này sẽ có một kết cục khác đẹp hơn.
Bây giờ Lan chỉ còn biết nuối tiếc, lặng nhìn hạnh phúc vỡ tan, những ngày tháng được cưng chiều yêu thương nay đã vụt khỏi tầm tay và trở thành xa vời tựa như giấc mộng.
Trong lòng đau khổ vô cùng, cô càng hối hận hơn vì kiếp xưa mình đã ăn thịt Dũng, lại càng hối hận vì đã không biết trân quý hạnh phúc đang có, không cư xử phải phép khi được Dũng hết dạ yêu thương, chăm sóc, hi sinh cho.
Cô toàn tự kiêu, ỷ lại, chỉ biết đáp lễ bằng tính cáu gắt, nóng nảy, cư xử quá ích kỷ xấu xa, và cuối cùng cô đã để vuột mất người bạn trai tốt nhất của mình.
Cuối cùng, cư sĩ Phổ Tường cho Lan một lời khuyên: mong rằng từ đây Lan biết thành tâm sám hối những nghiệp xấu ác đã tạo trong quá khứ, thực lòng thay đổi tu sửa, kiên trì lập hạnh tích đức, siêng năng, tinh tấn tụng kinh hồi hướng cho Dũng để hóa giải mối oán hận vượt thời gian này.
( Trích Báo ứng hiện đời 7 – Hạnh Đoan biên dịch)