Văn Dự :
– Anh Quang Tử, em có chỗ nghi vấn anh giải đáp dùm ạ, trong Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói Phổ Quang Chánh Kiến Như Lai là tiền thân Đức Phật thủa xưa, vậy tại sao từ lâu xa về trước Ngài đã thành Phật rồi, sau Ngài lại tái sanh lại nhiều kiếp tiếp tục tu khổ hạnh, nhiều kiếp xả bỏ thân mạng gom góp từng câu Kinh tiếng kệ, nhiều kiếp độ chúng sanh …, sau Ngài lại ngồi dưới cây Bồ Đề chứng thành Phật Quả Vô Thượng lần nữa, hiệu là Thích Ca Mâu Ni ?
Vậy trong những kiếp khi Ngài tái sanh lại, Ngài có nhớ được diệu lý Kinh Điển Phật tánh của mình nhiều kiếp trước hay không để sớm thành Phật độ chúng sanh ?
Quang Tử:
– Đây là một điều rất kỳ lạ, hiểu được điều này, ta mới thấy được các đức Phật vĩ đại đến mức nào.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã công bố một bí mật vô cùng quan trọng. Khi đó trong pháp hội của Phật, mặt đất nứt ra, vô số đại Bồ Tát bay lên hư không. Ngài Di Lặc Bồ Tát xem thấy không quen một ai trong số những Bồ tát vĩ đại này, ngài liền thưa hỏi Phật Thích Ca. Đức Phật trả lời rằng Đây là số Bồ Tát ta đã giáo hóa suốt vô lượng kiếp qua.
Ngài Di Lặc liền hỏi lại: Phật Thích Ca mới thành phần mấy chục năm đây, sao có thể trong thời gian ngắn hóa độ được số Đại Bồ Tát đông như vậy?
Đức Phật trả lời rằng: thực ra ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp qua, số kiếp lâu xa không thể suy lường được. ( ví dụ : nếu nghiền nát Tam Thiên Đại Thiên thế giới thành Bụi, một vị có thần lực bai qua Hàng sa hành tinh Về Phương Đông thì thả một hạt bụi, cứ thế tiếp tục cho đến khi hết bụi, chín phương kia cũng vậy, sau đó lấy tổng số các đại thiên thế giới Đã bay qua, kể cả chấm bụi hay không chấm Bụi, đều gom lại và nghiền hết tất cả các hành tinh trong các đại thiên thế giới đó thành Bụi, thì số bụi đó cũng chưa nhiều bằng số kiếp mà Đức Phật Thích Ca đã thành đạo từ lâu xa)
Điều đó có nghĩa là gì ?
Nghĩa là khi một đức Phật thành Đạo rồi nhập Niết Bàn, thì mọi việc không phải là chấm hết, mà sau đó, Đức Phật ấy lại sẽ tiếp tục thị hiện làm Bồ tát, phân thân khắp nơi trong vũ trụ, tiếp tục tu các môn ba-la-mật, bố thí gieo Duyên với chúng sinh. Khi các Duyên Lành đã viên mãn, căn cơ chúng sinh đã thuần thục để chứng đạo, đức Phật ấy sẽ lại thị hiện giáng sinh, xuất gia, ngồi dưới cội cây Bồ Đề, hàng phục ma quân, Chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, độ cho các chúng sinh có duyên với mình trong thời kỳ tu Bồ Tát đạo trước đó chứng quả Tu đà hoàn đến A La Hán, Bồ Tát Sơ phát tâm đến Bồ Tát Thập Địa, tổng trì Kinh Pháp… khi các chúng sinh có duyên đều đã được độ hết, Ngài lại thị hiện nhập Niết Bàn, và tiếp tục lặp lại quá trình độ sinh như trước ở khắp mười phương, đồng thời làm Phật và làm Bồ tát ở khắp mười phương cho đến vô cùng vô tận kiếp không dừng nghỉ.
Như Đức Phật Thích Ca đây, ở Ta Bà ngài hiện nhập Niết bàn, nhưng ở vô số thế giới khác, thì Ngài đang thị hiện làm Đức Phật, cõi nước hoặc trang nghiêm như của Phật A Di Đà, hoặc như ở Ta Bà, đồng thời hóa thân đủ mọi hình dạng như Bồ tát, trời Rồng, súc sinh, ngã quỷ, xuất gia, tại gia.v.v… gieo duyên độ chúng sinh.
Và khi thị hiện lại độ chúng sinh, dù là hình tướng Như Lai, hay hình tướng gì, Ngài đều nhớ rõ, thông suốt mọi Đạo lí, trí tuệ không có gì ngăn ngại. Chỉ là vì muốn làm gương cho chúng sinh noi theo, nên Ngài khéo léo ẩn mình, giống như một người phàm phu không biết gì, từng bước tu tập dần lên. Các Đức Phật khác khi thị hiện khắp mười phương giáo hóa chúng sinh cũng đều như vậy, chúng sinh dù có gặp qua, được các Ngài hóa độ xong cũng không nhận ra đó chính là Đức Phật.
Hiểu như trên đây ta mới thấy một đức Phật là vĩ đại đến mức nào chứ không gói gọn trong một thế giới bé nhỏ như trái đất này.
___________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !