Hỏi :
– Anh ơi, làm sao để hồi hướng công đức ạ ?
Quang Tử :
– Bạn thân mến, hồi hướng là một vấn đề hết sức quan trọng khi chúng ta làm một việc thiện, một công đức nào đó, thậm chí hồi hướng còn quan trọng hơn cả bản thân việc thiện, việc công đức đó.
Theo luật nhân quả, khi ta làm một việc thiện đều sẽ có phước báo tương ứng trong tương lai, như bố thí thì được giàu có, chữa bệnh cho người khác thì được phước khỏe mạnh, phóng sinh thì được trường thọ…
Tuy nhiên đó chỉ là phần cơ bản của nhân quả, còn nâng cao hơn, thì chúng ta hoàn toàn có thể điều khiển phước báo đi theo hướng chúng ta muốn thông qua việc hồi hướng.
Có nghĩa là thay vì bình thường, bố thí thì sẽ được giàu có, nhưng nếu không muốn phước báo giàu có, ta có thể dùng hồi hướng để chuyển sang những phước báo khác như khỏi bệnh, thoát nạn hay Vãng sinh Tịnh Độ, hay thành tựu trí tuệ.v.v…
Không chỉ điều khiển phước báo cho chính mình hưởng, mà còn có thể hồi hướng cho người khác cùng hưởng, giống như một món quà vô hình, xong hết sức hiệu quả.
Và nhân quả sẽ chuyển hướng khiến phước báo sẽ trổ ra đúng như những gì ta đã hồi hướng, có thể nhanh, có thể chậm, nhưng chắc chắn sẽ thành tựu.
VẬY MUỐN HỒI HƯỚNG THÌ LÀM NHƯ THẾ NÀO ?
Hồi hướng thực ra rất đơn giản. Bạn làm bất cứ công đức hay việc thiện gì đó, hoặc trước khi làm, hoặc trong, hoặc sau khi làm, tâm bạn nghĩ đến muốn phước báo của việc thiện đó hướng đến những kết quả nào sau này, thì đó chính là hồi hướng.
Để rõ ràng hơn, thì bạn đọc thầm, hoặc đọc thành tiếng câu khẫn hồi hướng, cấu trúc luôn như sau :
” Con xin hồi hướng công đức …(1) cầu cho …(2) được…(3) “
Trong đó,
“Con xin hồi hướng công đức ….(1)” thì (1) là việc phước thiện mà bạn đang làm, đã làm, hay chuẩn bị làm như phóng sinh, ấn tống, bố thì, niệm Phật, tụng kinh.v.v… Chẳng hạn như “Con xin hồi hướng công đức đọc kinh Địa Tạng trong hôm nay…”, hay là “Con xin hồi hướng công đức phóng sinh lươn này…” , v.v…
Còn ở chỗ “ cầu cho…(2)” , thì là đối tượng được hưởng phước báo, hoặc là chính mình, hoặc ai đó.
Và cuối cùng, “được …(3)” là kết quả mà mình mong muốn, ví dụ như “ được khỏi bệnh”, được “tiêu nghiệp”, “được thông minh, trí tuệ”, được “vãng sinh Tịnh Độ”, thậm chí, có thể cầu “được thành Bồ Tát, thành Phật cứu độ chúng sinh”.
Đối tượng hồi hướng có thể là bất cứ ai, nếu cầu cho chính mình, thì khấn là “cầu cho con”, hoặc ai đó, chúng sinh nào đó, một đối tượng, nhiều đối tượng, thậm chí là tất cả chúng sinh cũng được, tùy ý mình chọn.
Chẳng hạn như “cầu cho mẹ con tên…” hay “cầu cho những người bệnh này…”, hoặc “cầu cho tất cả chúng sinh khắp pháp giới”, v.v…
Chúng ta có thể hồi hướng phước báo cho bản thân mình, cho người thân, hay cho người khác, chúng sinh khác, bao nhiêu người tùy ý, tuy nhiên, càng hồi hướng cho nhiều người thì phước báo càng chia nhỏ ra, nhưng vẫn là có được hưởng, và có thì luôn tốt hơn là không được chút nào.
Còn về việc hồi hướng để cầu điều gì, chính là điều quan trọng nhất, cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng.
Theo như lí tưởng cao cả nhất của Đạo Phật, thì những công đức lành nên hồi hướng cho tất cả chúng sinh được thành Phật, hay thấp hơn thì cũng là cầu cho tất cả chúng sinh được Vãng Sinh Tịnh Độ, được thoát khỏi luân hồi.
Như kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền dạy hạnh thứ mười – phần hồi hướng như sau : “…có bao nhiêu công đức, thảy đều đem hồi hướng cho tất cả chúng sanh khắp trong hư không pháp giới. Nguyện cho tất cả chúng sanh thường được an lạc, …( lược bớt) khiến chúng sanh đều được giải thoát, rốt ráo thành tựu quả Vô Thượng Bồ Ðề”
Chắc chắn đây là câu hồi hướng hoàn hảo nhất, tuyệt vời nhất, phước báo trong tương lai sẽ thù thắng, vĩ đại nhất.
Nếu như hiện tại ta không có vầ đề gì cấp bách, thì câu hồi hướng này là chuẩn mực nhất mà chúng ta cần áp dụng mỗi khi tạo được bất kì việc thiện nào.
Dù lớn như in kinh đúc tượng, tụng kinh, niệm Phật, trì chú… hay nhỏ như bố thí vài hạt gạo cho con kiến, ta đều hồi hướng với câu hồi hướng trên, thì phước báo sẽ nối nhau kiếp này qua kiếp khác, khiến cho ta trở nên ngày càng trí tuệ hơn, đức hạnh hơn, gieo duyên nhiều với chúng sinh hơn để dần hóa độ cho họ tu hành, dần dần tiến tu cho đến khi chính bản thân thành tựu Phật Quả Vô Thượng, lại giáo hóa cho vô lượng chúng sinh cũng sẽ thành tựu Phật Quả Vô Thượng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng, điều mong cầu càng lớn, thì càng mất rất nhiều thời gian để thành tựu.
Cầu cho tất cả chúng sinh được thành Phật, điều đó quá sức vĩ đại, lớn lao nên cần phải trải qua vô biên – vô lượng- vô số – vô cùng tận kiếp số như cát trong sông Hằng mới thành tựu hoàn toàn như câu hồi hướng được.
Còn trong thực tế cuộc sống, nhiều khi có những việc bức bách chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết trước. Ví dụ như ta bị bệnh, hoặc là người thân bị bệnh, hoặc là ta đang thất nghiệp, cần tìm một công việc phù hợp, hoặc ta muốn cho mình bớt nóng nảy hơn, bớt sân si hơn v.v… và chúng ta cũng cần phải hồi hướng công đức cho một vài người nhất định, để giải quyết những vấn đề trước mắt đó, vì đơn giản là… ta để mặc những vấn đề đó không giải quyết thì cũng không được, ta vẫn phải sống, và buộc phải giải quyết những bài toán của cuộc sống không ngừng bày ra cho ta.
Mặt khác, nếu như làm được phước gì, ta cũng chỉ cầu đạt được những mục tiêu của thế gian, như khỏe mạnh, giàu có, sắc đẹp, thi đậu, lên lương, lên chức .v.v… thế thì, cho dù mọi việc có được đúng như ta muốn, nhưng ta vẫn phải nằm kẹt trong cái vòng luân hồi đầy sinh – già – bệnh – chết , đầy khổ đau bất tận này.
Vậy hồi hướng như thế nào để vẹn toàn cả hai, vừa giải quyết được vấn đề trước mắt, vừa giúp chúng ta tiến tu giải thoát ?
Thực ra hoàn toàn không có gì khó, khi ta hồi hướng phước báo cho ai đó, ta vẫn cứ khấn hồi hướng cầu cho họ giải quyết được những vấn đề trước mắt, như cầu được khỏi bệnh, cầu tìm được việc làm, cầu thông minh, trí tuệ v.v… Sau đó kết thúc bằng câu “ cầu cho họ sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.
Giả sử như ta bị bệnh, ta liền đi phóng sinh hay làm làm một việc phước gì đó tùy hoàn cảnh, rồi khấn hồi hướng như sau : “Con xin hồi hướng công đức này, cầu cho con được tiêu trừ nghiệp chướng, bệnh tật mau lành và sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.
Hoặc ví dụ như ta có đứa con, muốn cho nó học giỏi, ngoan ngoãn, ta làm một việc phước gì đó tùy hoàn cảnh, như phóng sinh, tụng kinh, niệm Phật …sau đó hồi hướng như sau:
“Con xin hồi hướng công đức này…cầu cho con của con tên… được thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn và sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.
Hay ví dụ như ta có người chồng vũ phu, ham mê cờ bạc, nhậu nhẹt bê tha… ta làm một việc công đức nào đó, rồi hồi hướng như sau :
“Con xin hồi hướng công đức này…cầu cho chồng con sớm thay tâm đổi tính, từ bỏ thói vũ phu, ham mê cờ bạc, nhậu nhẹt, đức hạnh tăng trưởng, sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh”.
Như vậy, trước mắt chúng ta giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, xong vẫn đảm bảo Bồ Đề Tâm của mình và người khác tăng trưởng, chắc chắn sẽ dần dần tiến tu cho đến khi thành tựu đạo quả Bồ Đề.
Như câu hồi hướng trên, chúng ta chỉ hồi hướng công đức cho một người, nhưng tất cả chúng sinh đều được lợi ích. Vì sao ? Vì khi người đó thành Phật, thậm chí chưa thành Phật, mới là Bồ Tát thì đều đã luôn cứu độ- giáo hóa, làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
Ta hồi hướng cầu cho người khác thành tựu như thế, thì dù chẳng cầu gì cho bản thân mình, xong chính ta cũng sẽ được thành tựu như lời hồi hướng đó. Vì rằng, bất luận hồi hướng như thế nào, thì người trực tiếp làm phước, tạo công đức vẫn luôn hưởng phần lớn phước báo, và khi ta muốn người khác được điều gì, thì chính ta cũng sẽ được điều đó.
Hoặc đơn giản là ta tạo thật nhiều công đức mỗi ngày. Nay ta hồi hướng khắp pháp giới chúng sinh, mai ta hồi hướng cho một người này, kia ta lại hồi hướng cho một nhóm khác… sẽ không cần bận tâm thêm chuyện người này được người kia không.
Trên đây là sơ lược đôi nét về cách thức hồi hướng, cũng chỉ là sơ lược thôi vì nhân quả hồi hướng rất phức tạp, cần phải có trí tuệ siêu việt của Đại Bồ Tát, của chư Phật mới thấu suốt được. Hi vọng đôi chút chia sẻ nông cạn, còn nhiều thiếu sót này sẽ giúp các bạn phần nào đó trên bước đường tu tập.
__________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !