Vào năm Thuận Trị thời nhà Thanh, tại huyện Thuận Nghĩa, Bắc Kinh có một đại gia đình họ Cung, nhà có ruộng đất cả trăm mẫu, lừa ngựa cả đàn. Lúc trung niên, họ sanh được một cậu con trai, đặt tên cúng cơm là Khánh Hữu.
Trong lúc này, ông Lý làm quản gia quản lý việc tá điền cho nhà họ Cung cũng sanh được một thằng con trai, đặt tên là Lý Phúc.
Đợi Cung Khánh được 7 tuổi, ông Cung mời một gia sư đến dạy học cho con trai. Lý quản gia thấy con trai của ông chủ Cung được học sách, nên cầu xin ông Cung cho con mình học cùng với Cung Khánh, được ông Cung đồng ý.
Tháng ngày qua mau, lúc Lý Phúc đến 14 tuổi thì cùng Cung Khánh tá túc tại học viện, tức ngày thì học chung, đêm thì ngủ chung.
Có một đêm, Lý Phúc đang ngủ, mơ thấy trên trời mở một cổng lớn, từ trên trời hạ xuống hai ông thần, hạ đúng trong học viện, có một ông thần chỉ ngón tay đến Cung Khánh Hữu, còn ông thần kia nói:
– Anh ta ra sao?
Ông thần kia nói:
– Anh ta là người toàn phước, năm 17 tuổi đậu tú tài, 19 tuổi đậu cử nhân, tương lai sẽ thăng quan đến cấp nhị phẩm, suốt đời hưởng vinh hoa phú quý.
Ông thần nọ lại chỉ vào Lý Phúc, hỏi ông thần kia:
– Còn anh kia?
Ông thần kia nói:
– Người này thuộc mạng khổ vô công danh, vô phận nghèo suốt đời.
Nói xong, hai ông thần bay về trời. Sau khi hai ông thần đi vào cửa trời, cửa trời đóng lại như trước. Lý Phúc tỉnh dậy, cảm thấy kỳ lạ liền kể hết chuyện trong mơ cho cha mẹ và những người khác nghe.
Đợi đến khi Khánh Hữu năm 17 tuổi, quả nhiên thi đậu tú tài, lúc này Lý Phúc không còn học nữa. Nhà có ruộng đất, Lý Phúc tuy canh tác nhưng luôn để ý đến hành vi của Khánh Hữu, anh ta thấy Khánh Hữu có tính độc đoán, luôn làm chuyện ác, tàn nhẫn bạo hành, không làm việc tốt.
Sau khi Khánh Hữu thi đậu tú tài và tiếp tục thăng tiến, đúng là thăng chức đến làm đại quan nhị phẩm. Nhưng Khánh Hữu làm quan thì tham nhũng, tàn độc với bá tánh, đánh đập người trung lương.
Hành vi của Khánh Hữu, trong lòng của Lý Phúc xem đó là tội ác, cảm thấy Khánh Hữu sau này phải chịu quả báo. Ai ngờ, Khánh Hữu sống thọ đến năm 71 tuổi vẫn phú quý, khỏe mạnh, con cháu đầy nhà.
Không chỉ có vậy, Khánh Hữu còn có thể biết được mình lúc nào chết, lúc ông chưa chết, ông nói với con trai làm sao lo hậu sự cho ông. Nhưng hành vi của Lý Phúc lại khác biệt hoàn toàn so với Khánh Hựu, Lý Phúc sống rất cần kiệm, đối xử với người dân rất chu toàn, hướng thiện mà đi, không làm chuyện độc ác.
Đối với loại người ác độc như Khánh Hữu lại được hưởng phước trọn đời, còn biết trước ngày mình mất. Trong lòng ông ta cảm thấy bất bình, cảm thấy dưới âm phủ cũng có chuyện mua chuộc hối lộ, quyết tâm cùng Khánh Hữu đến Diêm Phủ hỏi cho ra lẽ.
Nên ông nói với con trai của ông là sẽ chết vào ngày tháng đó, chuẩn bị lo cho hậu sự của ông. Ông Lý Phúc muốn đi cùng Khánh Hữu đến âm phủ xem như thế nào, nhất thiết phải xem rõ ràng cho bằng được. Lý Phúc nói với con trai là mình chết vào lúc nào, không phải vì ông ta tự biết ngày giờ chết mà là ông ta mua sẵn một gói thuốc độc.
Nếu như Khánh Hữu thật sự chết vào ngày ông ta nói thì ông sẽ uống thuốc độc để chết theo Khánh Hữu để đi xuống âm phủ gặp Diêm Vương.
Không ngờ, Khánh Hữu đến ngày đó thật sự chết đi, ông Lý Phúc cũng uống thuốc độc chết theo.
Xuống đến Âm Phủ, Diêm Vương xử lý xong công việc của Khánh Hữu mới ra gặp Lý Phúc, nói:
– Sao ngươi cũng đến vậy?
Lý Phúc trả lời:
– Tôi vì Khánh Hữu mà đi xuống đây. Trên trần gian, người người sợ quyền thế, trọng giàu sang, tại sao Diêm Vương dưới âm phủ cũng phải sợ như thế sao? Tôi nghĩ ông Khánh Hữu sống trên trần gian, tàn nhẫn độc ác, làm việc ác vạn lần, ông ta lúc trên trần gian không phải chịu ác báo, đến âm phủ, chắc phải chịu hình phạt, không ngờ trần gian với âm phủ cũng như nhau.
Diêm Vương nói:
– Ông ráng chờ một lát thì sẽ hiểu.
Diêm Vương ra lệnh cho phán quan mở ra cuốn sổ sanh tử thiện ác để xem, trên tên của Cung Khánh Hữu có một hàng chữ. Diêm Vương nói:
– Vì kiếp trước Khánh Hữu làm rất nhiều việc thiện to lớn, kiếp này tuy làm ác, đã tiêu hao không ít công thiện của kiếp trước. Nhưng vẫn còn dư rất nhiều phước báo của những việc thiện to lớn từ kiếp trước.
Vậy nên chuyển đến kiếp sau vẫn được hưởng phước, nhưng không có phước lớn như kiếp vừa rồi nữa.
Với những chuyện ác mà ông ta đã làm, vẫn chưa đến thời kỳ quả báo chín muồi. Lý Phúc nhà ngươi vì kiếp trước không có siêng làm việc thiện nên kiếp này phải chịu khổ.
Nhưng vì do ông giác ngộ, một lòng làm việc tốt, cho nên ông sống trên đời tuy không hưởng phước nhưng ăn mặc không thiếu thốn gì, khi ông chuyển kiếp sau, ông sẽ hưởng phước thật là lớn.
Lý Phúc cầu xin Diêm Vương lúc chuyển kiếp đừng cho ông ta uống nước canh Mạnh Bà, để kiếp sau có thể xem được kết quả hành vi của Khánh Hữu. Diêm Vương đồng ý lời cầu xin của Lý Phúc.
Lý Phúc lại đi theo Khánh Hữu đi chuyển kiếp luân hồi. Vì ông ta chưa uống nước canh Mạnh Bà biết hết sự việc, biết được Khánh Hữu lại đầu thai đến một gia đình phú quý. Ông thì đầu thai đến một gia đình trung bình, vẫn tu hành giữ thiện.
Khánh Hữu sau này trưởng thành, làm quan huyện trưởng, vẫn tàn ác với bá tánh, hoàn toàn không có một chút hối hận, dựa vào quyền thế tham nhũng, hãm hại dân lành.
Vì ép buộc khẩu cung, đã móc đi hai con mắt của người ta; vì một vụ án oan, chém mất đôi chân của người khác, Khánh Hữu sống thọ đến hơn bảy mươi mấy tuổi, bị bệnh và qua đời. Lý Phúc do có trí tu hành tinh tấn. Sau nhiều năm khổ tu đã đạt đến trình độ có thể đến xuất hồn có thể đi xuống âm phủ.
Lý Phúc biết Khánh Hữu chết, liền ngồi thiền nhập định, linh hồn thoát xác đi theo Khánh Hữu xuống gặp Diêm Vương. Lúc này khác với lúc trước, Diêm Vương tiếp đến Lý Phúc trước rồi mới xử Khánh Hữu sau.
Khi thấy dưới tên của Khánh Hữu trong sổ, phần phước đã hoàn toàn tiêu hao hết.
Lúc làm quan, móc mắt người ta, chém đôi chân người khác, hai sự việc này, chỉ có thể lấy thân mà trả nợ, phán quyết Khánh Hữu kiếp sau đầu thai đến một gia đình nghèo khổ, đôi mắt mù lòa, tàn tật hai chân, mỗi ngày ra mặt đường ăn xin, khổ hết biết.
Khi Lý Phúc nhìn thấy nhân quả của Khánh Hữu trong ba kiếp, nhất nhất đều có nguyên do và cực kì công bằng. Hơn nữa lại nhận ra một điều còn quan trọng hơn, ấy là luân hồi sinh tử nhiều kiếp thực ra rất đáng sợ.
Kiếp này làm người tốt, tạo nhiều phước, cũng không hề đảm bảo kiếp sau lại làm người tốt. Ngược lại, khi phước báo đến, hưởng thụ nhiều sẽ khiến con người ta đổi tính, tham lam hơn, độc ác hơn, rồi làm nhiều việc tội lỗi. Thế rồi kiếp sau nữa sẽ chịu quả báo thê thảm…
Trong lòng sợ mất đi bản tính mà phải tọa lạc sự luân hồi, nên ông kiên trì tu hành, phát tâm dũng mãnh độ mình độ người, quyết tâm tinh tấn cho đến khi viên mãn công đức, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi sinh tử khổ đau này.
(Trích Ngọc Lịch Bửu Phiêu)