Tư Nhị là ” đứa con hai dòng máu”, cha gốc Khơ-me, mẹ là người Việt. Lớn lên, Nhị một mình dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Sau này, được Ba Trà thâu nhận làm đàn em, gia nhập thế giới gái điếm, và trở thành một trong tứ đại mỹ nhân thời bấy giờ.
Ba Trà lấy tên của nữ minh tinh màn ảnh Marianne để ghép với tên Nhị, thành Marianne Nhị ( thân tình gọi Tư Nhị ngụ ý là em nuôi của Ba Trà).
Lần đầu trong đời có mái ấm riêng, Marianne Nhị rối rít cám ơn vòng tay hào hiệp của Ba Trà đã giang rộng để ” che chở đùm bọc và làm cuộc tái sinh cho em út”. Nhưng không lâu về sau, Nhị như con chim rời tổ bay ngược gió, tự tung tự tác tách khỏi ảnh hưởng của Ba Trà.
Không những không nghe lời khuyên của Trà, Nhị còn tự phụ tự mãn với sức trẻ hơn người và sắc đẹp đang lên. Quả vậy, với bộ ngực nở nang khêu gợi, cặp môi luôn đỏ, đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt, gương mặt cả ngày bừng lên một sắc hồng dưới nắng, giúp Marianne Nhị đẹp một cách man dại và lộ vẻ ” sẵn sàng yêu”… Với hành trang ấy, càng ngày Nhị càng lao sâu vào con đường trác táng, ăn chơi phí sức.
Chỉ mới chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Sài thành, vậy mà Tư Nhị đã hốt gần hết những gã nhân tình nhiều bạc, lắm tiền thời ấy của Ba Trà ( Từ Bạch công tử, công tử B xứ Trà Vinh cho đến một anh chàng mắt xanh mũi lõ nổi tiếng là hào hoa phong nhã bậc nhất trong giới Tây kiều thời ấy tại Sài Gòn là Franchini).
Tay này là một triệu phú thời ấy, tiền muôn bạc triệu lại có vai vế rất lớn trong giới Pháp kiều, hắn nổi tiếng đẹp trai và hào hoa phong nhã bậc nhất lúc bấy giờ.
Nhiều người vẫn cho rằng chỉ cỡ như Ba Trà thì mới mong tiếp cận được anh ta mà thôi, chớ các người đẹp khác trong nhóm tứ đại mỹ nhân thì chắc không có ai làm được điều đó.
Nhưng Ba Trà cũng không ngờ rằng ở đời chuyện gì cũng có thể xảy ra cả, đặc biệt trong đó có yếu tố bùa mê ngải yêu nữa!
Tìm hiểu kỹ hơn thì Ba Trà cũng phải giật mình, bởi chính Tư Nhị đã công khai tuyên bố với cô đàn chị rằng ả ta không cần phải lặn lội qua tận Thái Lan để thỉnh ngải mê bên đó, mà chỉ cần ở một chỗ tại Sài thành cũng đủ sức quyến rũ tất cả đàn ông nào, kể cả anh chàng Pháp kiều Franchini kể trên.
Tư Nhị hé lộ rằng cái thứ “bùa tình” mà Bạch công tử thường dùng vẫn còn kém xa thứ bùa tình mà ả ta đang có, bởi Tư Nhị vốn là người sinh ra rồi lớn lên ở đất chùa tháp. Mà nơi đó chuyện bùa yêu, ngải tinh vốn là thứ người ta thường dùng chẳng khác nào sức nước hoa mỗi ngày.
Cô đệ nhị tứ đại mỹ nhân này lên như diều, quyến rũ đàn ông nhanh như chớp và đúng như lời cô ta tuyên bố, đố đàn ông nào không quỳ gối trước cô để rồi dâng hết của cải đang có, cung phụng cho con đường ăn chơi mà cô ta đã vạch ra sẵn.
Chỉ trong vòng một năm thì Tư Nhị đã được Franchini đưa đi khắp nơi, giới thiệu với hết tay triệu phú cỡ bự này tới những trọc phú lừng lẫy khác, nhất là trong giới chủ đồn điền cao su thời ấy. Thậm chí cô nàng còn được Franchini đưa qua các đồn điền cao su ở Chúp tận bên đất Cao Miên để trải qua những đêm thác loạn bên ấy.
Để rồi chỉ trong vòng một tháng thì đã có đến bốn năm tay chủ đồn điền người Pháp nơi đó tình nguyện về tận Sài Gòn rồi sẵn sàng móc hầu bao ra chi cho Tư Nhị những số tiền lớn chưa từng thấy. Mặc cho cô nàng ăn chơi thoải mái, đặc biệt là mua sắm từ nữ trang cho đến xe ô tô hạng sang nhất thời bấy giờ.
Thời ấy, Sài Gòn trong lúc những quan chức cỡ bự cũng chỉ đi xe hơi hiệu Delage, hay là Panhage hay Citroen thì đùng một cái một hôm người ta thấy Tư Nhị ngồi chễm chệ trên một chiếc xe hơi hiệu Hotchkisss, rồi Alpha – Roméo là hai loại xe thuộc loại đắt tiền nhất thời ấy. Một chiếc Alpha – Roméo trị giá đến mười một ngàn đồng (nên nhớ thời ấy vàng chỉ khoảng hai trăm đồng một lạng) vậy mà một cô gái tuổi chưa tới hai mươi đã ngự trên chiếc xe với giá trên một vạn bạc thì không khiến cho thiên hạ sửng sốt cũng là chuyện lạ!
Thời ấy giới ăn chơi tuy mê nhan sắc của Tư Nhị nhưng họ cũng đã bắt đầu sợ sức quyến rũ kỳ lạ khó cưỡng nổi của cô ả. Người ta rỉ tai nhau rằng ai mà lọt vào mắt xanh của Tư Nhị rồi thì chẳng chóng thì chày cũng sẽ tàn đời với cô ta!
Người thời đó còn đồn rằng chính lão Tây Franchini đã phải thừa nhận rằng lão không thể nào dứt ra khỏi sức quyến rũ của Tư Nhị được. Mặc dù đôi ba lần lão cũng đã có ý định ấy khi bắt gặp Tư Nhị cho lão ta mọc sừng khi cô nàng bắt cá hai ba tay với nhiều tay trọc phú khác, ngay cả với những người bạn Pháp kiều chủ các đồn điền cao su mà lão đã dẫn Tư Nhị tới giới thiệu.
Một lão Tây giàu sụ lại phải chấp nhận cảnh cô người tình trẻ người Việt cắm sừng mà chỉ biết lắc đầu chào thua kể cũng hơi lạ. Nghe nói ở vài phút giây chợt tỉnh ngộ thì Franchini đã có ý định tìm cách “gỡ bùa”.
Lão ta đã phải nhờ tới một người bạn Tây làm chủ đồn điền ở Chúp môi giới để làm, sang tận Nam Vang để nhờ thầy hóa giải bùa chú đã mắc phải mà lão biết chắc những thứ bùa tình, bùa yêu ấy là do chính Tư Nhị ám lão. Nhưng hình như là mọi cố gắng của Franchini là vô ích. Bởi sau chuyến qua đồn điền Chúp trở về thì lão này càng mê ám hơn với người tình nhỏ Tư Nhị.
🔺CUỐI ĐỜI LÀM ĂN MÀY.
Bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Người đời miêu tả lại rằng, nhiều đêm, cô Nhị ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”.
Đang trong thời kỳ đỉnh cao, đến giữa thập niên 1940, Nhị bỗng dưng biến mất khỏi chốn ăn chơi trác táng của Sài Gòn xưa. Theo lời kể của ông Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca, người duy nhất gặp lại cô Tư, cho biết: ” Hoa khôi số hai của Sài Gòn ngày ấy đã thành… kẻ ăn mày.”
Người này cho hay tình cờ gặp Marianne Nhị trong một quán ăn ven đường với tình cảnh hoàn toàn khác xưa. Sau bữa điểm tâm, Ba Quan trả tiền xong định quay về, bỗng nghe tiếng gọi giật ngược: “Anh Ba!”
Ngoái lại, biết tiếng kêu ấy phát ra từ trong đám hành khất rách rưới, định bước đi, lại nghe gọi đến mình thống thiết lần nữa, lần này đượm vẻ bi ai hơn trước. Rồi một người đàn bà trong đám ăn mày tách ra, đến trước mặt anh Ba, thảng thốt nói: “Em là Tư Nhị đây!”
Nhìn kỹ một lúc, không nói nên lời, vì người đàn bà ấy trước kia là hoa khôi lừng lẫy một thời, giờ đây môi thâm đen, đôi chân nõn nà quấn quanh mấy lớp vải dính máu mủ với đám ruồi bu đen không ngớt, trông dơ dáy, não nề, không dám nhìn lâu, bỏ nhẹ 20 đồng bạc xưa vào tay Nhị rồi quay đi.
Cuộc đời Tư Nhị quả đúng như một vở bi hài kịch, từ một đại mỹ nhân tiền muôn bạc triệu, thoáng chốc đã thành kẻ ăn xin thảm hại, âu cũng là Nhân quả. Ả không chỉ tà dâm, thác loạn, lại lạm dụng bùa ngải mê hoặc không biết bao nhiêu đàn ông, để rồi cuối đời hứng chịu báo ứng thê thảm một mình. Đây chẳng thể nào than trách cho số phận, mà chỉ là tự làm thì tự mình chịu mà thôi.