( Phúc Diệu )
Câu chuyện xảy ra vào khoảng rằm tháng 7 năm 2014, tại tịnh xá Liên Hoa, quận 11 – tp. Hồ Chí Minh, tôi đang ngồi tụng kinh cùng sư phụ. Bỗng có 2 vợ chồng ẵm một đứa nhỏ, tay chân quặt quẹo khoảng 6 tuổi, mặt mũi ngô nghê . Mẹ của bé quỳ xuống bàn thờ Phật và thưa với sư phụ:
– Con không biết làm lỗi gì mà sanh phải một đứa con trai quanh năm nó không cười, không khóc, nằm im một chỗ. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều do con làm hết. Ba nó thì đi làm lo cho 2 mẹ con. Cuộc sống gia đình chúng con khổ không sao tả hết!
Sư phụ tôi kêu ẳm bé tới gần sư phụ. Tự nhiên nó khóc thét lên. Khóc như chưa bao giờ được khóc. Ba mẹ nó ngạc nhiên vì từ trước tới giờ nó chưa hề khóc hay cười một tiếng. Sư phụ mới nói rằng :
– Đứa bé này kiếp trước là quân lính. Nghe lệnh vua đốt chùa, đốt kinh đập phá tượng Phật, bắt sư hoàn tục. Nên kiếp này phải bị như vậy. Không có trí tuệ và phải nằm một chỗ.
Lúc đó tôi mới hỏi thầy:
– Tại sao phải bị như vậy vì nếu không nghe lời vua sẽ bị chém chết? Đáng lẽ ông vua đó bị tội thôi. Người lính ngày xưa có câu “Quân xử thần tử. Thần bất tử bất trung” mà sư phụ, sao người lính cũng bị cộng nghiệp luôn?
Sư phụ mới giải thích cho tôi như vầy :
– Này Phúc Diệu, giả như con đi chợ. Con mua cá nhưng con sợ tội sát sanh. Con nhờ người bán cá làm cá dùm. Người bán cá cũng biết đập đầu con cá là mang tội. Nhưng vì cái nghề kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình nên họ phải làm chứ họ cũng sợ lắm. Cũng giống như anh lính đi lính được vua trả lương nghe theo lời vua làm chuyện có tội thì cộng nghiệp chung. Giống như người ăn cá và người làm cá đều bị tội hết.
Sau đó sư phụ nói với ba mẹ đứa bé :
– Hai vị từ nay hãy ăn chay, làm phước tụng kinh hồi hướng công đức cho đứa bé này để cho nghiệp của nó tiêu bớt, bệnh tật cũng sẽ từ đây mà tiêu trừ.
Đứa bé bỗng nín khóc. Ba mẹ đứa bé chắp tay cung kính, tin nhận lời sư phụ.
Nhân đây sư phụ cũng có lời khuyên đệ tử khi đến các ngôi chùa, không được tự ý lấy những vật trong chùa dù nhỏ nhất. Khi được chùa mời dùng cơm, ăn xong mình cúng dường lại tiền ít cũng được. Không leo trèo lên cây hay ngồi lên tượng Phật, thấy chùa có rác hay dơ chỗ nào thì mình cầm chổi quét, công đức vô lượng.
—————————–
Bất kính Tam Bảo , phá hủy kinh tượng Phật là những trọng tội phải đọa địa ngục lâu xa, hành hình liên tục không gián đoạn, như trong chuyện trên, bị tàn tật, không trí tuệ ở cõi người chỉ là hoa báo, quả báo chắc chắn sẽ ở trong địa ngục chịu muôn vàn thống khổ .
Nguyện cho những ai đã từng phạm phải sai lầm này có thể hồi đầu sám hối. Những người chưa từng gây lỗi, đọc được bài viết này có thể nhân cơ hội mà tránh không phạm vào những ác nghiệp như thế này.
Câu chuyện trên đề cập đến tội ác tiền kiếp của người con, nhưng cha mẹ đứa bé hàng ngày phải cực nhọc, khổ tâm khi nuôi nấng đứa bé này thì cũng không phải là không có nguyên nhân . Phước đức và nghiệp chướng của một người có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh ( gồm cả ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu lẫn cả những người sống gần ta như hàng xóm, đồng nghiệp…) Có những cách ảnh hưởng như sau :
1. “Đồng thanh tương ứng” : ông bà cha mẹ tạo phước đức, thì nhân quả sắp xếp cho họ sinh ra những người con, cháu đã tạo phước trong quá khứ, khi sinh ra chúng được sung sướng ,vinh hiển. Phước đó tự chúng đã tạo trong qúa khứ, còn ông bà cha mẹ do cũng có phước nên sinh ra con cháu vinh hiển để được hưởng tiếng thơm…
Ngược lại ông bà cha mẹ tạo ác nghiệp cũng tương tự như thế, sẽ chiêu cảm sinh ra những người con cháu cũng từng gây nghiệp từ các kiếp xưa, nay đến lúc chịu quả báo. Mỗi người tự chịu những gì mình đã tạo, do nghiệp quả tương đồng nên sinh chung vào một gia đình, một tập thể.
2. Các vị đã tạo công đức tái sinh lại làm cháu chắt của chính mình để hưởng phước. Làm ác thì ngược lại, nay sinh ra với thân phận con cháu, và chịu nghiệp khi xưa đã gây ra. Người không biết thì cho rằng cha ông làm, con cháu chịu, xong thực ra cũng chính là một người , chỉ là đầu thai với thân phận khác thôi.
3. “Cùng nhau làm, cùng nhau hưởng”. Do từ kiếp xa xưa, ông bà cha mẹ và con cháu cùng nhau làm phước, hoặc cùng nhau gây tội lỗi, nên nay sinh ra trong cùng một gia đình, chung nhau thọ nhận phước báo hoặc quả báo.
Hoặc khi xưa một người khuyên nhủ, xui khiến, một người nghe theo mà làm, nay người trực tiếp làm khi xưa sẽ trực tiếp hưởng phước báo, hay nhận quả báo. Còn người khuyên nhủ, xui khiến sẽ sinh làm ông bà cha mẹ, thân quyến.
Hoặc một người làm tội cho mọi người cùng hưởng ( như một người đi săn về cho cả nhà cùng ăn, một người làm đồ tể lấy tiền nuôi cả nhà.v.v…) thì kiếp sau cùng sinh về một nơi, cùng chung chịu quả báo.
3. ” Chiêu cảm tội phước” : người có phước lớn hoặc nghiệp nặng có thể chiêu cảm khiến cho phước hoặc nghiệp xấu của những người xung quanh trổ ra khi họ xuất hiện. Như một người cha làm việc ác quá lớn, sau đó một thời gian con anh ta bị tai nạn chết. Đáng lí đứa con phải 2 kiếp sau mới bị tai nạn chết, nhưng nay quả báo ấy trổ ra luôn ở hiện tại ( thực ra phước hay tội tiềm ẩn của mỗi người đều rất nhiều, đứa con đâu có thiếu gì nghiệp ăn mặn, sát sinh từ vô lượng kiếp qua ) Hay một người chồng do phước báo lớn nên chắc chắn lấy được vợ đẹp, nhưng khi lấy vợ anh ta lại chọn 1 người nhan sắc bình thường, không đẹp, một thời gian sau, dung mạo của người vợ sẽ thay đổi, trở nên xinh đẹp, đó là do phước của người vợ, có điều đáng lí phải 3 kiếp sau cô ta mới đẹp được như thế, nhưng do phước của chồng chiêu cảm khiến phước của cô ta trổ ra sớm. Có một số người rất đặc biệt, đi tới đâu là mọi người xung quanh xui xẻo đến đó , cũng do nguyên lí này.
4. ” Bình thông nhau” , do có duyên sâu nặng và nợ nần với cha mẹ, con cái có thể chịu tội thay cho cha mẹ, sự chịu tội này coi như trả xong món nợ với cha mẹ. Thường thì ta sẽ gặp trường hợp ngược lại, là do cha mẹ có nợ với con cái, nên phước của cha mẹ con cái hưởng ( của thừa kể ) đây coi như trả nợ. Các chúng sinh có duyên nợ sâu đậm với nhau cũng tương tự như vậy.