Quang Tử là ai ?
Một số bạn hiện đang thắc mắc điều trên và dùng google để tìm kiếm câu trả lời. Vậy thì bạn thân mến, có lẽ bạn phải thất vọng rồi.
Quang Tử là tôi, nhưng tôi thì chẳng là nhân vật đặc biệt gì cả. Nếu như bạn là một người sống ở thế kỉ 21 đầy rẫy sự phát triển công nghệ, nhưng mà lại thiếu vắng đi những giá trị tâm linh cao quý, bạn thấy băn khoăn và bất ổn, thế thì tôi cũng giống như bạn.
Nếu như bạn gặp nhiều điều bất an, khó khăn hay đau khổ trong cuộc sống, muốn tìm niềm hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình, thế thì tôi cũng giống như bạn.
Nếu như trong quá trình khám phá bản thân, bạn nhận thấy trong con người mình còn nhiều thói quen xấu, đầy tham – sân -si, và nhận ra những tính xấu đó sẽ hủy hoại cuộc đời bạn, cần phải tìm một con đường để vượt qua chính mình, vươn lên một tầm cao mới, thế thì tôi cũng giống như bạn.
Thế thôi, Quang Tử chỉ là một người bình thường, thậm chí là tầm thường với đủ thứ lo toan thường nhật, đủ thứ thói hư tật xấu, đủ thứ đau khổ bao quanh. Nếu có khác, thì chỉ khác ở chỗ, tôi đã chịu quá đủ cái vòng tròn luẩn quẩn, bế tắc đầy khổ đau của “cuộc đời”, nên một ngày kia tôi quyết định phải thay đổi.
Tôi có hai câu hỏi cứ đau đáu trong đầu:
– Cuộc sống kể cũng hay, nhưng mà sao nó lại lắm đau khổ như vậy ? Mọi người thấy rằng ai ai cũng đều khổ cả, đành cho rằng đó là định luật, đành cố thích ứng với nó, lách qua lách lại cho đỡ khổ, cố “tự hài lòng” với những niềm vui thoáng chốc, vì biết làm gì tốt hơn được ? Vậy liệu có cách nào thanh toán dứt điểm mọi đau khổ không ?
– Vũ trụ mệnh mông như vậy, hẳn phải ẩn chứa những chân lý. Liệu có tồn tại một chân lý nào đó, một con đường nào đó đưa tôi đến niềm hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu không ?
Nếu bạn từng tự hỏi mình câu ấy, và muốn có một câu trả lời, thế thì tôi cũng vậy. Và tôi quyết tâm tìm cho ra câu trả lời, đó là vào khoảng gần 20 năm trước. Tôi bỏ hết tất cả những gì hiện có để lao vào một cuộc hành trình tìm kiếm.
Đầu tiên tôi tìm kiếm trong thế giới Khoa học với những phát minh và sáng chế, những tư duy logic chặt chẽ, những phản biện sắc bén của tư duy biện chứng, nhưng những cái đó chỉ giúp cho cuộc sống vật chất thêm tiện nghi, bản chất chúng chỉ là công cụ, là nô lệ của con người, chứ sao có thể làm thầy con người được ?
Nhìn chung cách Khoa học nhìn nhận thế giới rất khách quan, logic chặt chẽ, tính thực nghiệm cao, xong cả mấy thế kỷ toàn là cắm cúi săm soi vào mấy khối vật chất, mãi không thoát ra được. Còn lại những phần cao hơn sâu hơn của vũ trụ, không tìm ra được, thì cứ phán một câu “Khoa học chưa lí giải được” là xong. Trong khi ngay đến một đứa trẻ cũng biết con người có phần vật chất, lại có cả phần tinh thần, và phần vật chất luôn là phần thấp kém, nông cạn hơn.
Tiếp đến tôi tìm kiếm trong thế giới triết học Trung Hoa với Kinh Dịch, Âm dương bát quái, bói toán, phong thủy… và lúc đầu tôi thấy sức cuốn hút cũng rất mạnh.
Triết học trong Kinh Dịch với hệ thống quy luật âm dương ngũ hành khá chặt chẽ, biến hóa ảo diệu. Vận dụng tốt có thể giúp ta biết trước được tương lai. Ơ nhưng mà chỉ biết trước mà chẳng thay đổi được gì, thì chán thật. Mọc thêm một môn phong thủy có thể sửa đổi nhà cửa, mộ phần một chút cho cuộc sống thoải mái hơn, xong chỉ sửa được chút thôi, chứ không phải muốn làm gì thì làm.
Tất nhiên rồi, chứ nếu phong thủy là toàn năng, thì các siêu cao thủ đệ nhất của phong thủy như cụ Tả Ao ở Việt Nam, hay Cao Biền của Trung Quốc đã thành vua cả rồi. Khi sửa không được thì quy lại cho “âm đức gia chủ” không đủ.
Cuối cùng tôi nhận ra. Chúng có thể làm cuộc sống tốt hơn một chút, nhìn nhận mọi việc xa hơn về tương lai một chút, sâu hơn về các quy luật vũ trụ một chút, nhưng chưa thoát ra được những bế tắc căn bản. Ở thế giới đầy màu sắc huyền bí với âm dương ngũ hành này, đời vẫn là đau khổ, chỉ là khổ một cách “triết học” hơn mà thôi.
Cũng ở Trung Quốc, Ngài Khổng Tử lập ra Nho Giáo, khá hay, xong đó là hệ thống quy tắc ứng xử nhằm giữ yên trật tự xã hội phong kiến phương Đông, không phải quy luật vũ trụ, tôi không có áp dụng gì được. Nhất là thời đại ngày nay, bước ra xã hội mà đòi “trọng nam khinh nữ” là coi chừng bị các chị, các em, các cô, các bà xé xác.
Ngài Lão Tử lập ra Đạo Giáo, triết lý rất uyên thâm, thoát tục, tôi cho đó là một đỉnh cao vượt ra ngoài thế tục, xong lối vào rất khó nắm bắt, như đi trong biển sương mù mãi không lần ra manh mối.
Một thời gian tôi gặp vấn đề với Chúa Jesus. Tôi không thể chấp nhận được quan niệm Chúa Trời tạo ra tất cả trong 6 ngày, ngày thứ 7 đi nghỉ, nặn ra A-Đam, rồi rút xương sườn A-Đam nặn ra Ê-va, và hai người ấy sinh ra cả thế giới. Tôi quy hết những sai lầm cho Chúa Jesus, và công kích Ngài.
Sau đó tôi phát hiện ra, những điều đó không phải do Chúa Jesus nói, mà là do giáo lý cổ xưa của người Do Thái nói, gọi là Cựu Ước, có từ trước khi Chúa ra đời. Thành ra tôi phải sám hối với Chúa Jesus nhiều lần vì đã vu oan cho Ngài. May quá, vào một đêm tôi mơ thấy Ngài hiện ra và tha thứ cho tôi tội phỉ báng.
Đúng ra thì phần rao giảng của Chúa kéo dài trong 3 năm, được các môn đệ của Ngài gom lại thành một cuốn Kinh gọi là Phúc Âm. Sau này người ta đặt tên là Kinh Tân Ước để phân biệt với kinh Cựu Ước của người Do Thái có trước đó.
Thực ra chính Chúa Jesus cũng không đồng ý với Cựu Ước, Ngài thường xuyên dạy mọi người làm khác đi so với giáo lý cũ. Nếu như kinh Cựu Ước dạy “mắt đền mắt, răng đền răng”, ai hại mình thì phải báo thù. Thì Chúa Jesus dạy “Ai tát anh em má bên trái, hãy giơ má bên phải. Ai lột áo ngoài của người anh em, hãy cởi nốt áo trong cho hắn”.
Nếu như Cựu Ước quy định, ngày Sabbat tất cả không được làm gì cả, phải nghỉ ngơi, vì Chúa Trời sau 6 ngày tạo ra thế giới đã nghỉ vào ngày thứ 7, con người cũng phải theo như thế. Thì Chúa Jesus mặc kệ, trong ngày Sabbat Ngài cứ chữa bệnh cho mọi người bình thường. Các giáo sĩ Do Thái bực mình đến hạch tội, thì Chúa hỏi lại : “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không kéo nó lên sao?”
Nhưng nhìn chung, Chúa Jesus không có ý định thành lập tôn giáo nào cả, trong 3 năm Ngài vừa chữa bệnh, vừa giảng giải dân chúng những cách sống sao cho đạo đức hơn, tử tế hơn, nhân ái hơn, trí tuệ hơn, xong nếu bảo đó là một hệ thống giáo lý trọn vẹn thì không phải, và Ngài cũng chẳng hề lập ra giáo hội nào cả. Lời giảng của Ngài rất hay, đầy lòng từ bi bác ái và minh triết sâu xa, xong quá ít để thiết lập ra một con đường với từng bước, từng bước rõ ràng. Mọi người có thể đọc kĩ cuốn Tân Ước để thấy điều này.
Đã vậy về sau giáo lý của Chúa còn bị một ông vua La Mã tên Constantinus, sinh sau chúa Jesus hơn 3 thế kỉ lợi dụng. Ông ta đã gom cả những lời dạy của Chúa Jesus -Tân Ước, lẫn kinh Cựu Ước của người Do Thái lại làm một. Với quyền hạn của một ông vua, và mưu đồ chính trị thâm sâu, ông vua này đã dựng nên một cơ cấu tổ chức Giáo hội với Giáo hoàng đứng đầu, lập ra luật lệ quy củ, lấy cây Thập tự làm biểu tượng, giơ cao nó trong mỗi cuộc xâm lược của ông, từ đó thế giới mới chính thức có Đạo Công Giáo.
Theo các nhà sử học, “Constantine thực ra không tin đạo, nhưng chủ tâm sử dụng Ki-tô giáo làm công cụ chính trị để thống nhất đế quốc và sau đó có thể dùng tôn giáo để chinh phục thế giới. Constantine đã bộc lộ chủ trương này qua khẩu hiệu “In Hoc Signo Vinces” – nghĩa là “Dưới biểu tượng Thập giá ta sẽ chiến thắng!”.
Chủ trương này còn bộc lộ rõ rệt hơn nữa khi người kế nhiệm Constantine đổi tên Ki-tô giáo thành “Công giáo” năm 340. Danh từ “Công giáo” trong tiếng La tinh “Cattolica” có nghĩa là toàn cầu (universal) ngụ ý đế quốc có thể bành trướng thế lực ra khắp thế giới dưới chiêu bài Ki-tô giáo!” Quả nhiên hiệu nghiệm, thành quả của ông ta là tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay như mọi người thấy.
Cứ thế tôi lần lượt nghiên cứu qua rất nhiều trường phái tư tưởng, nghiền ngẫm, so sánh giáo lý của các tôn giáo, triết học phương Đông lẫn phương Tây. Tôi đọc sách nhiều nhất có thể bất kể thuộc chủng loại nào : sách self help, sách tâm lý, sách dạy các kĩ năng, tiểu thuyết… cốt thì cũng là để tìm kiếm câu trả lời đang nung nấu từ lâu.
Rồi tôi tự quăng mình vào các trải nghiệm của trường đời, lang thang nay đây mai đó, làm đủ thứ nghề ngỗng không tên, gặp đủ các hạng người phức tạp của xã hội, và mỗi con người lại có thể trở thành thầy của tôi trong một lĩnh lực nào đó.
Ví dụ như một con rùa có thể thành thầy của tôi, vì nó dậy cho tôi cách tăng sức phòng thủ, nhẫn nhịn đến tột độ để chiến thắng mọi khó khăn, sống sót đến cùng, chấp hết mọi thảm họa khủng khiếp nhất của Quá Đất. Một dòng nước cũng có thể trở thành thầy của tôi, vì nó dậy cho tôi cách linh hoạt thích ứng với mọi địa hình, mọi hoàn cảnh, biến sự mềm mại thành một sức mạnh.
Nhưng mà, gom hết tất cả lại, thì vẫn chưa trả lời được câu hỏi ban đầu.
– Liệu có cách nào thanh toán dứt điểm mọi đau khổ không ?
– Liệu có tồn tại một chân lý nào đó, một con đường nào đó đưa tôi đến niềm hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu không ?
Không ai trả lời được cho tôi. Cho đến một ngày, cái ngày đẹp trời sau nhiều năm lùng sục, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra được câu trả lời cho các câu hỏi bấy lâu vất vả tìm kiếm…
Một thế giới mở toang ra trước mắt tôi, rực rỡ và tổng quát với những quy luật Nhân quả chậm rãi nhưng chặt chẽ đến tận chân tơ kẽ tóc, với lục đạo luân hồi bao la vô cùng tận nhiều màu sắc, khi thì hấp dẫn khi lại vô cùng đáng sợ. Với những triết lý nhân sinh vừa thấm thía, lại vô cùng hài hòa, với rất nhiều con đường tu tập phong phú và rõ ràng, cho phép lựa chọn môn hợp nhất với mình chứ không áp đặt máy móc.
Người cho tôi câu trả lời đầy đủ và tuyệt diệu ấy, đó chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hệ thống giáo lý Phật Pháp của Ngài để lại, thậm chí còn cho tôi những đáp án sâu sắc và toàn diện hơn tôi mong đợi nhiều lần.
Phải mất một thời gian dài, với sự chỉ dạy của nhiều vị thầy, tôi mới tuần tự dạo hết một vòng kho tàng giáo lý của Đức Phật, xong cũng mới chỉ nắm được chút ít bề nổi bên ngoài, còn phần bên trong thâm sâu huyền diệu không sao đoán lường nổi. Tôi chưa từng gặp một hệ thống nào vừa chặt chẽ lại vừa khổng lồ đến vậy.
Ở những trường phái tư tưởng khác, tôi có thể nhanh chóng nắm được yếu chỉ, và thấy ra được giới hạn của nó. Xong với Phật Pháp thì không thể, Phật Pháp quá đồ sộ và tinh tế. Không phải mình tôi thấy vậy đâu, mà chính nhà bác học lỗi lạc nhất mọi thời đại – Albert Einstein, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng mọi tôn giáo trên thế giới, cũng thấy như vậy, ông đưa ra tuyên bố:
“Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật Giáo. Phật Giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật Giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì Phật Giáo bao gồm khoa học cũng như vượt qua cả khoa học.”
Thế là tôi đã trả lời được hai câu hỏi của mình một cách dứt điểm. Bạn muốn biết câu trả lời mà tôi tìm thấy là gì không ? Kiên nhẫn nhé, nó không đơn giản là một câu “khẩu quyết” ngắn gọn ghi tóm tắt trong một trang giấy được. Tôi sẽ nói cho bạn biết rõ, nhưng … từ từ nhé.
Phật Pháp không hề giống một chiếc chìa khóa kho báu như trong các truyền thuyết, thần thoại, hễ có được chìa khóa là ngay lập tức mở ra kho báu, tha hồ tiêu xài.
Không, Phật Pháp giống một “hạt giống thần kì” hơn, muốn có những “trái cây thần kì” ta phải gieo hạt cây xuống, tưới cây, bón phân, chăm sóc hàng ngày và chờ đợi. Sau cùng, vụ mùa thu hoạch sẽ đến, bạn sẽ gặt hái được những điều kì diệu.
Thế nào là sự kì diệu của Phật Pháp ? Rất nhiều, với những khó khăn, đau khổ của cuộc sống thường ngày, Phật Pháp cho tôi phương thuốc hóa giải hiệu nghiệm. Với những mù mờ trong tâm trí, thế thì Phật Pháp cho tôi một ngọn đèn, để tôi biết “Thực sự tôi là ai? Tôi đang ở đâu? Và đang đi đâu thế này?” .
Với sự mất phương hướng, chẳng biết chọn lối đi nào trong hàng triệu lối đi của cuộc sống, thế thì Phật Pháp cho tôi một bản đồ, với các con đường rõ ràng, và hệ thống. Và hơn tất cả, Phật Pháp vô cùng hào phóng khi ban cho tôi quyền điều khiển thế giới. Tôi không dùng sai từ đâu, bạn sẽ xây dựng được hẳn một thế giới trong chính mình, tươi đẹp, không có phiền muộn khổ đau, không có lo toan và mất mát, mọi thứ luôn an bình và vĩnh cửu và bạn toàn quyền làm chủ nó.
Chỉ tiếc một điều, những điều quý giá đó không có phát tặng free. Phật Pháp không phải gian hàng “sale off 100%” ai muốn lấy thì lấy. Để có được những điều kể trên, tôi cũng phải trải qua một quá trình thực hành rất vất vả. Đức Phật đã ban cho tôi những hạt giống quý giá và hướng dẫn cách gieo trồng, cái này là miễn phí, tôi không thể đòi hỏi Ngài hơn nữa, Ngài đã quá từ bi rồi.
Phần còn lại là sự nỗ lực thực hành của tôi. Như một người nông dân vất vả chăm bẵm, tỉa tót những cái cây trong vườn, tôi cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” chỉnh sửa bản thân, lập trình lại tư duy, nâng cấp liên tục qua nhiều năm. Phải trải qua nhiều sóng gió, lạc lối với những cám dỗ, gục ngã trước những sai lầm, vật lộn nhiều năm trước khi thấy được những thành quả đầu tiên.
Thế đấy, cái gì cũng có giá của nó. Cuối cùng thì tôi cũng đã chờ được đến ngày có thể mỉm cười với “vụ mùa đầu tiên”, tôi đã biết được những gì gọi là năng lượng vũ trụ và cách để vận hành nó theo ý muốn, tạo ra được những thành quả tuyệt vời. Xong đây chỉ là vụ mùa đầu tiên thôi nhé, vì trước mắt tôi chặng đường vẫn còn dài.
Một lần đó, nhìn lại cả một quá trình dài dòng ấy. Tôi chợt nảy ra một ý…
Vì phải loay hoay thử đi qua rất nhiều con đường. lục lọi đủ loại tri thức đông tây kim cổ, thành ra tôi biết được đường nào sẽ dẫn đến đâu, đường nào dễ, đường nào khó, đường nào là đường cụt, không phải tất cả, xong cũng kha khá.
Phải tự thân vật lộn để áp dụng hết phương pháp này, đến bí quyết khác, thành ra tôi biết được, mỗi một pháp môn, mỗi một cách thức hành trì, sẽ phải gặp những khó khăn gì, và chọn cách nào cho dễ, cho phù hợp.
Tóm lại, đó là một khối lượng kinh nghiệm mà tôi không dễ dàng gì mà thu gom lại được suốt gần 20 năm, một cuốn “bí kíp” đáng giá – ít nhất là với tôi. Nếu như ngay từ ngày đầu, tôi mà có được cuốn “bí kíp” này thì tốt biết mấy, sẽ đỡ đi bao nhiêu lần lạc đường không biết hỏi ai, sẽ tiết kiệm bao nhiêu năm thực hành những phương pháp không phù hợp, và nhất là, sẽ thoát được những tai họa khôn lường do chọn sai đường.
Giả sử trên đời có những ai đó, cũng đang loay hoay tìm kiếm “một con đường” tốt hơn cho mình, thoát khỏi vòng lặp bế tắc của cuộc sống, mà chưa biết bắt đầu từ đâu giống như tôi ngày xưa. Vậy thì hẳn cuốn”bí kíp” của tôi ít nhiều sẽ giúp ích kha khá. Tôi có nên giữ cho riêng mình không nhỉ ?
Không nên ! Tất nhiên rồi, truyền thống của Đạo Phật là như vậy. Từ Đức Phật đến các vị tổ sư, truyền kinh sách qua bao nhiêu đời, giữ gìn nguồn ánh sáng chân lý cho thế gian chẳng hề giấu diếm, giữ lại cho riêng mình bao giờ. Nhờ thế tôi mới được học cái chân lý tuyệt vời ấy. Nếu đã học được rồi, và đã là một đệ tử Phật, vậy sao tôi lại có thể giấu kín cho riêng mình được ?
Thế nên tôi đã lần lượt chia sẻ những gì tôi biết cho mọi người. Thực ra cũng đều là những điều Đức Phật đã dạy trong kinh cả thôi, bất cứ ai tra google là sẽ dễ dàng tìm thấy.
Chỉ là nếu bạn thấy đọc kinh Phật khá là khó hiểu, do những lời Đức Phật dạy là từ thủa xưa, là vào thời cách đây đã hơn 2500 năm tại một đất nước xa xôi, ngôn ngữ, phong tục, quan niệm… mọi thứ khác hẳn bây giờ.
Thành ra những đạo lý tuyệt diệu của Phật dạy, trở nên xa lạ với cuộc sống hiện đại, không phải ai cũng hiểu rõ nghĩa, khiến mọi người ít quan tâm, và bỏ lỡ các kho báu quý giá.
Nếu vậy thì … không sao. Tôi sẽ cố gắng viết lại sao cho dễ hiểu, và gần gũi với cuộc sống hiện đại bây giờ. Xuất phát điểm của tôi cũng giống như đa số các bạn, cũng là từ đau khổ, bế tắc trong cuộc sống hiện đại, sô bồ mà đi tìm một lối thoát, nên cách diễn đạt có lẽ sẽ khiến mọi người cảm thấy gần gũi.
Và thế là các bài viết, các câu chuyện, các sách, các video lần lượt được đăng lên với tên Quang Tử. Thực ra, Quang Tử không phải tên thật, cũng không phải pháp danh của tôi, đó chỉ là một cái tên bút danh ngẫu hứng đặt ra, rồi thì nó cũng sẽ chìm nghỉm trong dòng chảy quên lãng của thời gian mà thôi. Thế nên bạn không cần quan tâm đến nó. Không, bạn không cần quan tâm Quang Tử là ai ?
Hãy để dành sự quan tâm đó cho 2 người còn quan trọng hơn nhiều, người thứ nhất là Đức Phật, người thứ hai, đó là chính bạn. Với Đức Phật, đó là vầng mặt trời của trí tuệ và lòng từ bi, người thầy vĩ đại của cả vũ trụ, đã mở ra con đường thoát khổ, đưa con người đến với những bến bờ hạnh phúc vĩnh hằng, không còn chỗ cho mọi khổ đau, bế tắc. Còn với bạn, bạn là người cần phải đi trên con đường ấy.
Nếu như bạn chưa thể kết nối được với Đức Phật, tôi sẽ giúp bạn với vai trò như một chiếc cầu nối, đơn giản vậy thôi.
Như đã hứa ở phần đầu, tôi sẽ kể cho bạn những bài học tôi học được từ Phật Pháp. Xong nhiều quá, kể hết thì dài dòng vô cùng. Nên tôi gom lại 21 bài học mà tôi cho là tâm đắc nhất thành 21 bài viết, video trong fanpage Facebook sau, dành cho những ai muốn nhanh chóng nắm được các điểm then chốt. Hãy bấm vào dòng link ngay bên dưới:
→ BẤM ĐỂ XEM: 21 BÀI HỌC THEN CHỐT
- Còn những bạn thích xem video, tôi có một trang Youtube :
- Và dành cho những bạn thích các bài viết, câu chuyện được cập nhật liên tục, bạn có thể xem trong fanpage Quang Tử : https://www.facebook.com/quangtu.chuyennhanqua/
- Hoặc ở đây, ngay trong website chính thức của Quang Tử : nhanqua.com.vn
- Ngoài ra, bạn có thể nhắn tin zalo cho tôi theo số sau khi có việc quan trọng : 0933.502036 (Xin nhắn tin zalo, đừng gọi điện)
)(*Lưu ý, Quang Tử không phải thầy bói, bạn đừng nhắn tin hỏi xem bói toán gì kẻo làm mất thời gian của cả hai. Quang Tử cũng rất bận không tiện để tâm sự đường dài được, nên bạn vui lòng không nhắn nếu không có việc gì thật sự cần thiết. Mong các bạn thông cảm !)Và để chốt lại lời giới thiệu dài dòng văn tự này (giới thiệu xong vẫn chưa biết rốt cuộc Quang Tử là cái gã nào, ở đâu, già trẻ cao thấp gầy béo như thế nào) Tôi xin nhắn nhủ bạn một câu nói, mà tôi lấy làm tâm đắc suốt một chặng đường dài tìm kiếm ánh sáng mà tôi đã kể :
“Hạnh phúc là vô tận cho những ai tìm được chân lý. Còn chân lý là vô tận cho những ai không ngừng tìm kiếm!”
Hãy nhớ nhé. Thân ái gửi lời chào đến các bạn !
_Quang Tử_