Tướng mạo một con người có một mối liên hệ đặc biệt đến số phận của người đó, thế nên cổ nhân đã lập hẳn một hệ thống “nhân tướng học” phức tạp, dựa vào tướng mạo, dung nhan, sắc khí mà tiên tri vận mệnh cho mỗi người rất chính xác.
Điều đáng tiếc là môn “nhân tướng học” này lại chỉ tiên đoán được thôi chứ không biết cách làm như thế nào để cải sửa lại được định mệnh. Khiến cho rất nhiều người tốn kém không ít để đi xem tướng, xong thực sự lại không thể giúp ích điều gì cho họ, vì có biết trước vận mệnh cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ thêm lo lắng mà thôi.
Tin vui là dù “nhân tướng học” bó tay với việc hoán cải vận mệnh, thì môn “nhân quả học” lại giải quyết việc đó một cách triệt để.
_____________
Thời vua Hán Cảnh Đế tại Trung Quốc, có một vị được mệnh danh là thần tướng. Ông chỉ cần một cái nhìn thoáng qua là biết được tỏng tòng tong tính tình, vận hạn, số phận cả đời của người trước mặt. Sự chính xác trong lời đoán của ông thật là kì lạ, trăm lần không sai lấy một.
Một bữa kia, ông đang đi dạo trên phố, chợt thấy cậu thanh niên nọ có một tướng lạ: Hai đường chỉ chạy từ cằm lên khóe miệng. Ông tiến lại và nói với cậu:
_ Này chàng trai, trên mặt cậu có tướng chết đói. Trong vòng mươi năm nữa, họa này sẽ xảy đến với cậu.
Thanh niên ấy tên Bùi Độ, là một người bán dầu nghèo khổ. Vì danh tiếng của lão thần tướng quá lớn, Bùi Độ có muốn nghi ngờ cũng không được. Anh buồn rầu ra về với cái án tử hình treo lơ lửng trong vô hình. Anh không còn tha thiết với điều gì nữa, ngày ngày buồn rầu ủ rủ.
Một ngày kia, trên đường đi anh thấy một cô gái vừa khóc lóc thảm thiết, vừa định nhảy xuống giếng sâu. Bùi Độ chặn lại hỏi, thì biết được cô gái kia tên Ngọc Hà, đang trên đường đem vàng đi để chuộc tội cho cha, xong đến đây lỡ tay làm rơi túi vàng xuống giếng.
Mọi người cho biết rằng dưới giếng có một con trăn rất dữ, rất nguy hiểm, đã xuống rồi coi như cầm chắc cái chết, nên cũng không ai dám giúp. Thế nhưng cô gái cứ chăm chăm nhảy xuống, định không lấy được vàng thì sẽ chết ở đây luôn.
Bất chợt mắt Bùi Độ sáng lên, nghĩ thầm trong đầu: “Đúng rồi, đằng nào cũng chết, sao ta không đem cái chết của mình để làm một việc nghĩa? Như vậy không hay hơn sao?”
Nghĩ là làm. Dù tim đập loạn xạ, chân tay run lẩy bẩy, anh vẫn liều mạng leo xuống. Không hiểu vì sao nhưng anh không bị trăn ăn thịt. Lặn ngụp hồi lâu anh cũng lấy được túi vàng đem lên cho Ngọc Hà. Nhờ đó, Ngọc Hà được toàn mạng, cha cô được giải oan, danh dự, quyền thế được phục hồi.
Cảm kích ơn cứu mạng của Bùi Độ, Ngọc Hà đem anh về cho anh ăn học đàng hoàng. Rồi sau xin cha được theo anh “nâng khăn sửa túi” suốt đời. Hôn lễ được cử hành không lâu sau đó trong niềm hân hoan của tất cả thân quyến xóm làng.
Sau đó, cha vợ Bùi Độ nhờ một người quen có chức có quyền tiến cử anh làm chức quan ở vùng khác. Từ đó, anh không ngừng thăng quan tiến chức.
Cuộc đời anh giờ ngập trong sung sướng, quyền quý vinh hoa, nhà cửa gia nhân không thiếu thứ gì. Nhưng anh vẫn mang một nỗi lo sợ mình sắp chết.
Cho đến một hôm kia anh tình cờ gặp lại vị thần tướng. Sau một cái nhìn sắc bén, đôi mắt của thần tướng lộ vẻ ngạc nhiên vì tướng chết đói trên mặt anh không còn nữa.
_ Này chàng trai – thần tướng nói – tướng chết yểu trên mặt anh đã mất, chẳng hay gần đây anh có làm điều gì phúc đức lắm?
Chàng trai kể lại mọi chuyện. Vị thần tướng gật gù, từ giã ra đi sau khi đã chúc lành cho anh.
Còn anh trở về với nỗi vui sướng khôn siết. Anh đã vụt thoát khỏi bàn tay nghiệt ngã của định mệnh. Từ nay anh có thể yên tâm, làm gì thỏa thích.
Và anh làm thật ! Kể từ đó, anh bắt đầu sống hưởng thụ sa đọa, với những trò vui hoang tàn, vô độ. Nắm quyền chức trong tay, anh biến thành một tên hôn quan bạo ngược. Vơ vét của dân, cưỡng bức con gái nhà lành, tiếng oán thán thấu tận trời xanh.
Ngày tháng cứ trôi đi, cảnh oan ức cứ thế kéo dài. Đến một ngày kia, lần thứ ba anh gặp lại vị thần tướng.
Vị thần tướng nheo mắt nhìn anh. Với con mắt tinh anh và thâm thúy, ông hiểu ngay mọi chuyện, đồng thời cũng thấy luôn tướng chết đói đã quay trở lại. Thần tướng nghiêm giọng:
_ Này kẻ vô đức, cậu đã một lần thoát khỏi cái chết vì biết quên thân cứu người. Nay lại không biết tu thân tích đức thêm cho sâu dày, lại đổ đốn, sa đọa, hoang tàn hống hách, làm những chuyện đồi bại tàn ác. Tướng chết đói lại hiện ra rồi đó, lo về tính chuyện hậu sự đi.
Tên quan Bùi Độ tức giận bỏ đi. Vì đã quen thói ngông cuồng, nên giờ thần tướng hay không cũng bất chấp. Cứ tiếp tục sống cuộc sống tội lỗi không chút áy này. Lương tâm hắn giờ đã bị danh lợi dục vọng nuốt chửng.
Quả nhiên không lâu sau đó, dân kiện lên đến triều đình. Quan khâm sai được phái xuống điều tra, rồi bắt hắn về kinh xét xử. Trên đường áp giải, hắn bỏ trốn, chạy thoát được vào rừng. Một thời gian sau, người ta tìm thấy xác hắn chết đói bên cạnh một mỏm đá. Lần này, tử thần đã chụp được hắn với bản án bi thảm: chết đói – đúng như lời thần tướng nói.
__________________
Số phận của Bùi Độ đó đã thay đổi hai lần bởi chính bàn tay anh. Như vậy, ta thấy rằng, số phận không phải một cái gì đó cố định hay được định sẵn bởi trời. Vì nếu đã cố định, thì không thể có điều gì thay đổi.
Số phận được định đoạt bởi những việc thiện ác ta làm cho thế gian này theo quy luật Nhân Quả.
Khi Bùi Độ đó liều mạng cứu cho một người chưa từng quen biết. Số phận lập tức thay đổi. Tướng chết đói biến mất liền. Anh trở nên giàu sang, sung sướng ngay, vì việc thiện anh làm quá lớn, nhất là khi anh cứu người bất chấp hiểm nguy của mình.
Nhưng lại một lần nữa anh lại thay đổi số mạng của mình theo chiều ngược lại. Bằng sự bạo ngược hống hách, bằng những việc thất đức, bức hại dân lành, bất chấp lương tâm.
Những tội lỗi ấy trực tiếp khiến Nhân Quả thay đổi. Và Nhân Quả đã sắp đặt lại số mệnh Bùi Độ trở về với kết cục bi thảm, tướng chết đói hiện trở lại, anh ta phải bỏ mạng rục xác trong rừng.
VẬY THAY ĐỔI VẬN MỆNH BẮNG CÁCH NÀO ?
Tóm gọn lại , cần làm 3 việc :
- Đừng tạo thêm việc bất thiện nữa, để không chất thêm những ác nghiệp vào kho chứa của chúng ta. Nếu bỏ qua bước này thì kết cục sẽ giống như Bùi Độ, cho dù có làm phước được bao nhiêu sau một thời gian cũng tiêu tán hết. Tướng mạo tự biến đổi lại như cũ, số phận vẫn vậy, nghiệp chướng vẫn ập đến.
- Sám hối thường xuyên những tội lỗi đã phạm, và nguyện không tái phạm nữa. Vì tâm ăn năn, sám hối một cách chân thành có khả năng làm tiêu trừ ác nghiệp.
- Tạo thật nhiều phước thiện, tích lũy công đức thật nhiều. Xin nhấn mạnh là thật nhiều, vì nếu ít quá sẽ chẳng bù đắp nổi cho những ác nghiệp ta đã phạm. Bạn sẽ không thấy gì thay đổi đáng kể.
Cách làm phước, tạo công đức trong đạo Phật dạy rất nhiều, như niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, phát nguyện, phóng sinh, ấn tống, làm phước, bố thí, hiến máu, cứu người, xây chùa, đúc tượng .v.v… dù sai khác như vậy xong tất cả đều là Phật dạy, đều tạo ra những công đức, đều có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng, đều đem lại may mắn, và đều có thể sửa đổi vận mệnh.
Vì rằng hoàn cảnh mỗi người khác nhau, căn cơ khác nhau, sở thích khác nhau, nên chia ra nhiều cách thức khác nhau, để mỗi người tự lựa chọn lấy cách thức phù hợp nhất với mình mà áp dụng.
Sau khi làm xong, nếu chỉ muốn sửa đội vận hạn của bản thân ( chứ không có lí tưởng to tát vĩ đại gì) bạn có thể hồi hướng công đức như thế này :”Con xin hồi hướng công đức này cầu cho con được tiêu trừ nghiệp chướng, hóa giải mọi chướng nạn, cuộc sống may mắn, thiện duyên cùng Bồ Đề tâm tăng trưởng, sớm viên thành Phật Đạo, quảng độ chúng sinh”
Nếu điều kiện tài chính chúng ta có, vậy ta có thể chọn phóng sinh (mua hàng chục kg ốc, lươn, ba ba… thả ra sông, hồ chẳng hạn) hoặc bố thí người nghèo, hoặc cúng dường, xây- đúc –tạc tượng Phật, xây cầu làm đường .v.v…
Nếu không có nhiều tiền bạc, để làm những việc như bố thí, phóng sinh … nhiều. Không sao, bạn có thể chọn những cách thức chỉ dùng công sức, thời gian như giúp đỡ mọi người, lên chùa công quả, hiến máu .v.v… đặc biệt, các bạn nên tụng kinh ( như kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Phổ Môn.v.v…) – trì chú ( như chú Đại Bi, chú Vãng Sinh, hay chú Diệt Định Nghiệp “ÔM Pờ RA MA NI ĐA NI XOA HA”- chỉ 9 chữ ngắn ngủi nhưng công hiệu vô cùng mạnh mẽ .v.v…)
Nếu không biết tìm kinh chú ở đâu, hay thấy việc đó khó quá, phức tạp quá. Không sao, bạn có thể chọn niệm Phật, mỗi ngày bạn niệm một vài ngàn câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, hoặc “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, hoặc “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”, hoặc “Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát” .v.v… niệm danh hiệu vị nào cũng được, cũng đều tốt cả.
Việc khuyên bảo người khác “chỉ nên niệm danh vị này, không nên niệm danh hiệu vị khác” do thế này thế kia là một quan niệm sai lầm, trong kinh Đức Phật không bao giờ dạy như thế.
Đức Phật đồng thời dạy rất nhiều câu niệm Phật cho mỗi người tùy ý chọn, kinh Dược Sư ngài dạy niệm danh hiệu Phật Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ, kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, Đức Phật dạy niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đến kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Phật lại dạy niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” .v.v… Vì sao vậy ? Vì sao Đức Phật không dạy chỉ một danh hiệu, chỉ một kinh thôi để tất cả chúng sinh nhất tâm niệm theo, không lo xen tạp ?
Vì duyên nợ của mỗi người với các vị Phật, các vị Bồ Tát trong tiền kiếp khác nhau. Ai có duyên nợ với vị nào niệm danh hiệu vị ấy sẽ thấy nhập tâm hơn, thành kính hơn, tha thiết hơn, duy trì lâu dài hơn, và linh ứng hơn. “Duyên bất khả ép”, vì vậy Phật dạy nhiều danh hiệu, nhiều pháp môn để mỗi người tùy duyên mình lựa chọn, đó là trí tuệ của Đức Phật.
Với bất kì cách thức nào, bạn cũng đều phải cố gắng làm thật nhiều. Có rất nhiều người thường chỉ chăm chăm đi tìm xem có cách nào linh nghiệm nhanh, ít tốn sức, xong chỉ làm được vài hôm là bỏ dở.
Nay học được môn này, thử dăm ba bữa, chưa thấy gì liền chạy đi tìm cách khác. Cứ thế quanh năm “đứng núi này, trông núi nọ”, mong cho làm ít, bỏ ra thật ít mà thu về thật nhiều. Hơi thấy mệt, thấy lâu, thấy tốn kém một chút là bỏ cuộc ngay. Thái độ như thế, bất kể là việc đời, hay việc Đạo đều sẽ “xôi hỏng, bỏng không “ mà thôi.
Xin nhắc lại : Hãy làm thật nhiều hết mức có thể, và xác định là làm đến khi nào có kết quả thì thôi, chứ không có hạn mức nào để dừng lại. Vì nghiệp cũ của mỗi người khác nhau, nên có người tạo phước, tu tập thời gian ngắn mà cuộc sống nhanh chóng chuyển biến. Xong có những người khác nghiệp nặng hơn, sám hối, tu tập rất- rất lâu sau mới chuyển biến.
Khó mà biết được nghiệp cũ số lượng nhiều ít như thế nào, nên tốt nhất cần phải chuẩn bị lòng kiên trì. Một tháng chưa chuyển biến thì một năm, một năm chưa chuyển biến thì mười năm… không nên làm được một thời gian ngắn, không thấy cuộc sống chuyển biến gì là bỏ giữa chừng.
Cùng hóa giải một nghiệp chướng tương tự, người này tạo công đức vài hôm là có kết quả, nhưng người khác cả năm mới có kết quả, đó là chuyện thường gặp, vì nghiệp cũ và sức tu mỗi người khác nhau.
Giống như cùng một chặng đường từ Sài Gòn ra Hà Nội, máy bay chỉ mất 2 tiếng, còn ô tô mất 2 ngày, đi bộ mất 2 tháng… đó là chuyện bình thường. Người đi bộ không nên đi 2 tiếng, 2 ngày… không thấy tới nơi mà cho là đi sai đường, đơn giản là chưa đủ, cần kiên trì tiếp thôi.
Với những cách thức như trên đây, cùng với nỗ lực kiên trì, không nhanh thì chậm, chắc chắc nghiệp chướng của bạn sẽ được tiêu trừ.
Mà Nghiệp chướng tiêu trừ thì số mạng sẽ phải thay đổi theo. Số mạng đã thay đổi, thì tướng mạo cũng đổi theo, và kết quả cuối cùng là cuộc sống của bạn sẽ chuyển biến tốt lên, bớt đi rất nhiều chuyện xui xẻo, khổ sở, tăng thêm rất nhiều may mắn, hạnh phúc, an lạc.
Quy luật – cách thức là như thế, còn thành tựu hay không tùy thuộc vào quyết định và nỗ lực của chính bạn.
(Quang Tử)