Suốt cả tháng trời, chị Phan Thị Hiền ở Đống Đa, Hà Nội liên tục bị những cơn đau bụng hành hạ. Mỗi lần lên cơn đau, chị lại nằm vật vã trên giường, ruột đau thắt như ai cào ai cắt, mồ hôi vã như tắm. Đi khám nhiều nơi nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh. Không ăn, không ngủ, chị gầy rộc, người dờ dại như mất hồn.
Đặc biệt, cứ nửa đêm về sáng, hễ chợp mắt là hình ảnh đứa trẻ toàn thân máu me be bét, mặt trắng bệch, mắt trợn trừng tức giận nhìn chị khiến chị sợ hãi, kêu la. Ngờ rằng đó là thai nhi ba tháng tuổi mình vừa phá bỏ, chị tìm đến trụ sở Liên hiệp khoa học kỹ thuật UIA ở số 1, Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội để cầu siêu cho đứa con chưa kịp làm người của mình. Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp UIA bảo: “Chúng tôi đã tiếp nhận cả ngàn trường hợp như thế. Câu chuyện về sự oán hận của những hài nhi bị tước đoạt sự sống, chưa được siêu thoát nên cứ quẩn quanh bên người mẹ quấy phá là bình thường.
Đã có biết bao cô gái trẻ, thậm chí vị thành niên và cả những phụ nữ trung tuổi, sau bao nhiêu năm vẫn bị ám ảnh khôn nguôi bởi những lầm lỡ của mình.” Ông Khanh vẫn nhớ như in trường hợp chị Thoa ở Hưng Yên. Đó là một buổi chiều cuối đông mưa dầm gió bấc. Một cô gái khuôn mặt thanh tú nhưng xám ngoét, chạy đến Trung tâm của ông trong tâm trạng hoảng loạn. Mất một hồi trấn tĩnh, cô mới run rẩy kể về cơn ác mộng của mình. Cô bảo, cách đây hai năm, cô liên tục nằm mơ thấy một bé gái giận dữ túm váy cưới của của cô kéo, giật đến rách toang. Ngày ấy, vì còn quá trẻ, cô cứ nghĩ là do mình quá lo lắng cho đám cưới nên mới sinh hoang tưởng.
Vài ngày sau, đùng một cái, chồng chưa cưới đột ngột hủy hôn mà không nói lý do, cô chới với như người rơi xuống vực thẳm. Mất mấy tháng trời khóc lóc, khổ đau, thậm chí nhiều lần định tự tử, cô mới lấy lại được thăng bằng, tìm lại được niềm vui sống. Bây giờ, cô chuẩn bị bước lên xe hoa lần thứ hai. Nhưng suốt mấy ngày nay, cơn ác mộng xưa bỗng nhiên liên tục xuất hiện khiến cô vô cùng hoang mang, sợ hãi.
Chợt nhớ đến thai nhi năm tháng tuổi mà cô từng phá bỏ khi còn là sinh viên với người yêu đầu, cô đã tìm đến ông Khanh để cầu cứu. Một nhà ngoại cảm đã kiều vong linh của thai nhi lên. Vừa nhìn thấy cô gái, nó đã khóc lóc, hờn trách: “Chỉ mong sướng lấy phận mình mà không quan tâm gì đến nó”. Cô gái òa khóc vì ân hận, xót xa. Cô rối rít xin lỗi và hứa sẽ làm lễ cầu siêu cho bé, đứa bé mới thôi khóc, thôi hờn. Ông Khanh bảo: Sau lần đó, cô gái đã lấy chồng. Và năm nào cũng quay lại đó để cầu siêu cho vong nhi.
Một trường hợp khác, quê ở Bắc Ninh, rùng rợn hơn. Vì áp lực phải đẻ con trai để nối dõi tông đường mà chị Hậu đã phải bỏ thai nhi lần thứ bốn khi bác sĩ siêu âm nói là con gái. Nghe bạn bè khuyên, chị đã đến Đền Trần, chùa Hương để cầu nguyện. Cầu được ước thấy, một thời gian sau chị cũng sinh được cậu con trai.
Nhưng đứa bé cứ quấy khóc suốt ngày, không ăn, không ngủ, uống sữa vào lại nôn ra. Mỗi lần nôn là mặt mày tím ngắt như bị ai bóp cổ. Linh tính mách bảo, chị bèn đến Trung tâm UIA để gọi vong thai nhi. Qua nhà ngoại cảm, vong hiện về, gào khóc: “Con hận mẹ. Vì yêu con trai hơn mà mẹ nỡ giết bỏ con. Chính con bóp cổ thằng cún không ăn được đấy”.
Nghe vậy, chị Hậu sợ hãi, mặt xanh đít nhái. Chị quỳ sụp xuống cầu xin vong thứ lỗi, vì gia đình đằng nội cần có người nối dõi nên mới phải dứt bỏ con. Kể lể, khóc than, van lạy vong nhi cả tiếng đồng hồ, nó mới chịu gật đầu không hại em trai nữa.
Ông Khanh bảo, đó chỉ là một trong vô vàn trường hợp mà ông đã chứng kiến. Theo ông Khanh, mỗi người có một lý do riêng để chối bỏ giọt máu của mình: Người vì hoàn cảnh gia đình, người vì lẫm lỡ, người vì lý do sức khỏe và cả cái tư tưởng cổ hủ “trọng nam khinh nữ” từ thuở nào còn giằng níu đến tận bây giờ. Nhưng xét cho cùng, vì bất cứ lý do gì thì việc phá bỏ thai nhi đều là có tội. Và việc các hài nhi nổi giận, báo oán cũng là lẽ thường. Bởi mỗi bào thai dù mới chỉ vài tháng tuổi đều là những sinh linh, đã có linh hồn.
Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã biết cười, biết bày tỏ cảm xúc, thái độ. Cho nên, khi người mẹ mang thai cần phải luôn tạo cuộc sống tươi vui bằng cách như nghe nhạc vui, treo tranh đẹp… Trong trường hợp treo tranh xấu thì đứa con cũng buồn rầu, ủ rũ đi. Rõ ràng, tinh thần của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ nên ngay từ trong trứng nước đã là một sinh linh cần được nâng niu. Điều này cũng rất gần với quan điểm của nhà Phật.
Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ. Cho nên hành động phá thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người. Một bà mẹ đi phá thai là phạm giới, mắc tội sát sinh, lỗi rất lớn. Vì thế, họ đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu.
(Trích ” Những chuyện có thật về Nhân Quả và Phật Pháp Nhiệm Màu”- Hoàng Anh Sướng )