Chou Lu :
– A Di Đà Phật ! Quang Tử, xin cho mình xin hỏi là TÂM CHẤP TƯỚNG -TÂM PHÂN BIỆT – TÂM BUÔNG XẢ là như thế nào mình không hiểu ??? Xin QT vui lòng giải thích theo cách thế tục vì mình chỉ là sơ học nên đôi khi cách nói trong Phật pháp mình không hiểu lắm. Xin chân thành cám ơn ạ. Nam Mô A Di Đà Phật !
https://youtu.be/rlhMzG4dkT8?t=18s
Quang Tử :
– Bạn thân mến , 3 từ trên đều thuộc về nghĩa lí sâu xa của Phật Pháp, rất khó giải thích để bạn có thể hiểu tường tận, ở đây Quang Tử chỉ nói đại khái sơ qua phần cơ bản.
Tất cả mọi phàm phu chúng ta đều dùng ” tâm chấp tướng” mà sống, căn cứ vào hình dáng, màu sắc, âm thanh, hương vị, vui buồn, sướng khổ.v.v…. mà phân biệt chia ra, đây là tôi, kia là người khác, đây là của tôi, kia là của người khác, đây là nhà cửa, kia là cây cỏ, kia nữa là trời đất … đây là gia đình tôi, đất nước tôi, kia là gia đình người ta, nước của người ta, đây là sướng, kia là khổ, này là được , kia là mất .v.v…
Nói chung là căn cứ vào sự khác nhau của hình tướng ( là tâm phân biệt) bám chấp vào đó cho là thật mà phản ứng hoặc yêu thích, hoặc ghét bỏ.v.v…. ( là tâm bám chấp) rồi từ đó mà sinh ra các việc làm như chăm sóc, giúp đỡ, mua bán, sở hữu… hay chửi mắng, gây gổ, hiềm khích, chiến tranh.v.v… tạo ra đủ loại thiện nghiệp , ác nghiệp….
Nghiệp chồng chất rồi thì sản sinh ra các kiếp sống mới, sinh cõi này, chết đi lại tái sinh cõi khác, sinh tử nối tiếp không ngừng trong 6 cõi luân hồi, phước nhiều thì sinh vào hoàn cảnh tốt, nghiệp nhiều thì sinh vào hoàn cảnh khổ, nhưng chung quy là không ngừng phải sinh – diệt trong 6 cõi ( trời – người – A tu la – súc sinh- ngạ quỷ – địa ngục) gọi là luân hồi. Và cái luân hồi như vậy thì như Phật dạy : vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm còn nhiều hơn.
Cách để chấm dứt được đau khổ của sinh tử luân hồi này là làm ngược lại ngay từ đầu.
Thay vì đặt nặng vào sự khác nhau của hình tướng như cái này đẹp / cái kia xấu, rồi các loại phân biệt khác như hay/dở, hơn/ thua, khen/chê, được / mất .v.v….khiến cho tâm phân biệt bùng phát như chúng sinh vẫn thường làm, thì Phật dạy người tu hành cần giảm thiểu, dần dần triệt tiêu các tâm phân biệt này đi, xem mọi thứ bình đẳng, như vậy tâm sẽ trở nên BÌNH YÊN trước mọi thay đổi của cuộc sống.
Do xem mọi thứ bình đẳng, sự bám chấp vào hình tướng trong tâm sẽ được giảm thiểu dần, ta không quá đặt nặng đây là TÔI, là CỦA TÔI, kia là của người khác, phải giành giật hơn thua với người khác hay đủ mọi loại tâm lí, hành vi phát sinh giữa quan hệ TÔI / NGƯỜI KHÁC nữa, và người tu sẽ dần dần xuất hiện một tâm lí BUÔNG BỎ, không bám chấp vào chuyện hơn/ thua, khen/chê, sướng/ khổ, được/ mất, có/không của thế gian nữa. Đó chính là tâm BUÔNG XẢ.
Khi có tâm buông xả, sự thay đổi khi sướng khi khổ, khi được khi mất… thay đổi thất thường của cuộc sống dần dần không còn ảnh hưởng đến tâm của người tu hành nữa.
Đối diện với lời Khen/ tiếng Chê , tâm bình đẳng xem chúng như nhau, như tiếng gió thoảng bên tai, rồi sẽ biến mất chẳng còn dấu vết, vì thế tâm bình thản, không bị sự chê bai dày vò.
Đối diện với sự hơn/ thua, tâm bình đẳng xem chúng như nhau, vì nay hơn người mai sẽ có lúc lại thua người, sự đời thay đổi không ngừng như sự lên xuống của sóng biển, không có gì chắc chắn, vì thế tâm bình thản, không bị cái khổ của sự thua thiệt dày vò.
Đối diện với sự được / mất, tâm bình đẳng xem chúng như nhau, vì nay được cái gì rồi chắc chắn sẽ có ngày phải mất nó đi, quy luật này không bao giờ thay đổi, ngay cả tính mạng này còn không có cách gì giữ mãi được, thì những thứ khác cách nào mà giữ được.
Mọi thứ ta ĐƯỢC rồi chắc chắn sẽ phải MẤT, giống như những thứ có được trong giấc mộng, tỉnh dậy liền biến mất, chẳng còn thấy đâu. Hiểu được vậy ngay từ đầu rồi thì sau này khi đối diện với sự mất mát, tâm vẫn bình thản, không bị cái khổ của mất mát dày vò.
Những sự việc khác cũng lại như thế, tâm luôn giữ bình đẳng, không để sự khác biệt của các hình tướng ảnh hưởng, thì sẽ có được sự bình thản để đối diện với mọi thay đổi của cuộc sống, và cái còn ở lại bền lâu trong tâm ta, đó là SỰ YÊN BÌNH.
Niềm vui khi ta nhận được lời khen, hay khi thắng cái gì đó, được cái gì đó, thực ra sẽ nhanh chóng biến mất sau một thời gian ngắn, để lại trong tâm một sự thiếu vắng, hay một sự chán trường, thậm chí là cảm giác mất mát dày vò khổ sở. Không bao giờ có cách nào để duy trì những niềm vui ấy được vĩnh cửu cả.
Còn sự YÊN BÌNH mà tâm đạt được khi thực hành tâm buông xả, thì nếu tu hành đạt đến cực hạn, sẽ trở thành vĩnh cửu, không bao giờ mất, đó là cảnh giới GIẢI THOÁT của các bậc tu hành chứng được Thánh quả A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật, gọi là NIẾT BÀN.
_______________________
Tàng Sơn:
– Anh Quang Tử ơi. Em có điều này muốn hỏi ạ. Em thấy phần đông mọi người tu tập đều có sự mong cầu: cầu phúc đức, trí tuệ, cầu cho người thân bạn bè, gia đình họ hàng quyến thuộc được sức khoẻ, bình an, sung túc. Cầu vãng sinh tịnh độ, cầu giải thoát đắc đạo… bao nhiêu là sự mong cầu. Em nghĩ là khi mình tu mục đích là MẤT ĐI, Chứ không phải là đạt được. Mất đi tham, sân, si, mạn, nghi, tà tri, ác kiến. Mất đi sự ngu si mê mờ. Em nghĩ vậy. Không biết có điều gì chưa ổn không ạ ?
Quang Tử :
– Suy nghĩ của em đúng, chính xác là Phật dạy như vậy, nhưng là dạy cho riêng Đại Bồ Tát đã phát Bồ Đề Tâm từ vô số A tăng kì kiếp, cúng dường vô số Đức Phật, công đức sâu dày vô lượng. Các vị ấy có thể thấu triệt Bát Nhã, hiểu rõ tất cả vũ trụ, pháp giới, tất tần tật từ tiền tài danh vọng, gia đình thế gian, cho đến xuất thế gian, từ quả vị Thánh đầu tiên là Tu Đà Hoàn cho đến Phật Quả , 100%,1000%… đều không có thật tướng, đều không thể đạt được, không thể sở hữu – bất khả đắc. Nên tâm không mong cầu bất kỳ điều gì, bất kỳ cái gì, như trong Bát Nhã Tâm Kinh viết ” Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa Bát Nhã Ba La Mật Đa cố…”
Nhưng nếu không phải Bồ Tát, những người khác liệu có làm được không ? KHÔNG
Vì tập khí sâu dày của chúng sinh là mong cầu, là muốn được cái gì đó. Nếu không biết Đạo, thì mong sở hữu, mong được tình- tiền – quyền – danh.v.v… biết Đạo một chút rồi thì muốn được sinh lên trời, muốn được sinh về Cực Lạc, muốn thành Thánh quả. Nếu bây giờ , ngay buổi đầu vào Phật Pháp, người ta nghe tu theo Phật rồi thì chẳng được cái gì cả, thế thì mọi chuyện chấm dứt luôn ở đây, ai đi đường nấy, vì không được gì thì đa số 99,99% con người ta không có động lực để làm gì hết.
Nên Đức Phật, Người vô cùng trí tuệ, vô cùng từ bi, Người lập ra đủ thứ mục đích cho chúng sinh khởi tâm mong muốn tu hành , từ giàu sang, hạnh phúc…, từ hết nghiệp, thoát nạn, từ sinh lên trời đến Vãng Sinh, từ Tu Đà Hoàn cho đến thành A La Hán, Bích Chi Phật ,cho đến thành Bồ Tát, thành Phật .
Miễn là chúng sinh chịu tu hành, chịu gieo trồng duyên lành trong Phật Pháp, chịu trồng nhân Bồ Đề, thì cho dù ban đầu tu là vì mong cầu điều gì đó, là chưa có đúng như thật với bản chất của Đạo, nhưng vô lượng kiếp sau đó, nhân Bồ Đề sẽ nảy nở, phát triển dần dần, cho đến một ngày viên mãn, trí tuệ Bát Nhã sẽ mở ra, tự nhiên lúc đó mọi mong cầu sẽ tan biến, nhận ra rằng :
” Thì ra mọi thứ có hình tướng đều không thể sở hữu, là ảo ảnh , còn thể tánh Niết Bàn không tướng thì vốn sẵn có, chưa từng mất đi vì là vĩnh cửu, thường trụ” Thế nên tâm tự nhiên không mong cầu muốn được gì – vô sở đắc.
Hiểu rõ tiến trình này, khi hóa độ chúng sinh, luôn luôn ta phải biết chúng sinh đó đang ở trình độ nào, căn cơ nào mà tùy cơ giáo hóa.
Ta không thể đòi hỏi một hạt mầm mới trồi khỏi mặt đất có tính chất cứng cáp, vững trãi như một cây đại thụ ngàn năm. Thế nên Bồ Tát cần có tâm từ bi vô hạn, lòng bao dung vô hạn, sức kiên nhẫn vô hạn, trí tuệ vô hạn , phương tiện vô hạn để nhiếp phục tất cả mọi căn cơ của mọi chúng sinh.
___________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !