(Quang Tử, viết lại từ lời kể của Akai Shiudichi)
Cách đây khoảng gần 20 năm về trước, trong một đêm đông lạnh giá, ngồi trên bếp lửa hồng, ông nội tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện mà tới giờ tôi vẫn nhớ rõ vẻ mặt thất thần của ông tôi lúc kể lại.
Ông nội tôi tên Hương, ông có một người bạn thân lâu năm tên là Lý. Ông Lý ở quê sống rất tốt với mọi người, và thường giúp đỡ bất kì ai gặp khó khăn hoạn nạn trong làng. Chẳng ngại khó ngại khổ, cứ có ai nhờ là ông ấy giúp tận lực, thế nên gần xa ai ai cũng quý mến ông Lý.
Chẳng hiểu thế nào, người tốt như ông ấy cuối đời lại thê thảm. Năm ấy ông Lý 49 tuổi, bỗng dưng đổ bệnh nằm liệt giường. Bệnh tật hành cho ông đau đớn, lê lết, rên rỉ hết ngày này qua tháng khác, thuốc thang gì cũng chẳng đỡ. Thế rồi sau 3 tháng liệt giường liệt chiếu, ông Lý ra đi trong sự đau xót khóc than của con cháu và hàng xóm láng giềng.
Trước khi mất, ông Lý có gọi ông nội tôi tới, nắm chặt tay như muốn thầm cảm ơn ông nội tôi, ông tôi chỉ lặng lẽ gật đầu, dường như giữa hai người có một bí mật nào đó.
Có người thấy ông Lý sống tốt như thế, lại chẳng có lấy một cái chết yên lành, thì ngửa mặt lên trời mà trách than. Còn ông nội tôi thì chỉ chỉ lặng lẽ thở dài, vì chỉ có ông là người duy nhất biết rõ ngọn ngành.
Chuyện là hồi ông nội tôi còn trai tráng, ông cùng với ông Lý, khi ấy là một chàng trai lanh lợi, tràn trề sức sống. Hai người rủ nhau đi đào vàng ở những vùng núi xa xôi trên Lai Châu. Một thời gian dài đào vàng vất vả ở trên đó, cũng không kiếm được nhiều, nên ông nội tôi và ông Lý có ý định làm hết tháng, lấy tiền công rồi về tìm việc khác để làm.
Hôm đó khi hết ngày làm việc, mặt trời đã xuống núi, trên đường ra suối tắm, ông Lý gặp một ông già người dân tộc Mông tên là Hoa, không biết hai người nói với nhau những gì, nhưng tối hôm đó, ông Lý có rủ ông tôi đi cùng tới nhà ông Hoa người dân tộc Mông ấy.
Đó là một căn nhà sàn khang trang, vào bên trong, gặp ông lão người Mông, thấy ông ấy đã pha trà đợi sẵn từ bao giờ.
Nghe hai người nói chuyện, ông nội tôi mới biết ông Hoa – lão người Mông đó là thầy phù thủy thờ âm binh.
Khi gặp Lý, thấy tướng của Lý hợp căn với mình, nên ông Hoa muốn truyền nghề lại, một là để không bị thất truyền, hai là nhân đó có thể giúp đỡ cho nhiều người khác nữa.
Thấy Lý hiền lành, có thiên phú dị bẩm, nên ông Hoa quyết định dạy cho Lý tất cả những gì mình biết.
Và từ đó, Lý bước vào những chuỗi ngày tu luyện gian khổ, từng bước trở thành thầy phù thủy luyện âm binh, những tháng ngày khó quên trong cuộc đời Lý.
Nói đến âm binh, có lẽ cũng cần giới thiệu qua một chút, đó là những hồn ma chưa được đầu thai, xong không được ai thờ cúng, vất vưởng đầu đường xó chợ, lang thang khắp nơi từ rừng hoang đến thôn ấp, thị thành… Vì không ai cúng cho ăn nên, chúng đói khổ thê thảm, người đời hay gọi là ma đói, trong kinh Phật gọi là ngạ quỷ. Hễ nơi đâu có cúng thí thực thì tranh nhau đến giành ăn, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, vì người cúng thì ít mà ma đói thì nhiều.
Lợi dụng điểm này, các thầy phù thủy triệu hồi chúng về, cho ăn hàng ngày, rồi dần dần sai khiến chúng làm theo mệnh lệnh thông qua các bùa phép.Thông thường, các vong linh được các thầy phù thủy triệu hồi về để làm âm binh, cũng đều là những vong linh rất cang cường, hung dữ. Và từ đó, chúng trở thành âm binh, phục tùng mệnh lệnh của thầy pháp.
Nhưng nhiều khi chúng cũng sẽ phản lại thầy, khi không được cho ăn đầy đủ, khi thực hiện không đúng quy cách, hoặc khi thầy phù thủy bị suy yếu pháp lực. Cho nên luyện âm binh là con dao hai lưỡi, rất nhiều thầy cuối đời bị âm binh vật ngược trở lại, chết thê thảm.
Bước đầu tiên luyện âm binh, là luyện mắt. Mắt mà không thấy âm binh, thì nói gì đến điều khiển nữa. Ông Hoa dạy Lý, tối nào cũng ngồi 3 giờ liền, nhìn thẳng vào ngọn nến mà cố gắng không chớp mắt. Nhiều khi nước mắt chảy ròng ròng, hai nhãn cầu đỏ ngầu như muốn nổ ra, Lý chỉ muốn bỏ cuộc …
Nhưng Lý cũng rất cố gắng để vượt qua, tối nào cũng kiên trì đánh vật với cây nến. Sau khoảng 2 tháng thì thành công, đó là khi Lý có thể nhìn thẳng vào mặt trời mà không chớp mắt.
Bước thứ hai, là luyện âm khí. Tối tối, sau 10h đêm, theo lời thầy dạy, Lý xách một xô nước đi tới bãi tha ma, cách lán ở khoảng 2km.
Khi tới nơi đổ nước xuống đất, rồi nằm lên trên. Trước 5h sáng thì trở về, đủ 100 ngày như vậy là thành công. Nhưng trên đường đi hoặc về, không được gặp bất kỳ ai, và không để bất kỳ thứ gì rơi vào trong xô nước đó. Nếu gặp người nào đó, hoặc có cái gì đó rơi vào xô nước thì coi như hôm đó thất bại, phải làm lại.
Đêm đầu tiên Lý xách xô nước đi tới bãi tha ma, đổ xuống và nằm lên. Một mình giữa bãi tha ma tối tăm, Lý vừa run vừa sợ, nằm xuống không dám mở mắt ra.
Cả đêm đó sợ không ngủ được. Vài đêm sau thì Lý mới quen dần. Những đêm sau nữa, Lý có thể nằm ngủ ngon lành cho tới trước 5h sáng, rồi thức dậy ra về.
Chẳng mấy chốc Lý đã ngủ ở bãi tha ma 99 đêm thành công. Tới đêm cuối cùng, Lý có một cảm giác rất lạ. Dường như có ai đó luôn đi phía sau mình, mà khi ngoảnh lại thì chẳng thấy ai.
Tới bãi tha ma, vừa đổ nước xuống, nằm lên, và nhắm mắt lại. Được một lát, Lý bắt đâu nghe thấy những tiếng kỳ lạ, tiếng khóc, tiếng cười hỗn độn đan xen.
Lý mở mắt bật dậy, con ngươi muốn nổ ra, toàn thân run rẩy. Trước mắt Lý là những cảnh tượng hãi hùng chưa từng thấy trong đời. Đây thì những đứa trẻ đầu tóc bù rù khóc đòi mẹ, kia thì kẻ cầm bát xin ăn, kia nữa là những thân hình không đủ bộ phận, những hồn ma hình dáng kì dị, ghê rợn, đủ mọi sắc thái, chập chờn thoắt ẩn, thoát hiện trước mắt Lý.
Đó chính là lúc thành công giai đoạn hai, nằm 100 đêm trên nước ở bãi tha ma, âm khí đã ngấm sâu vào người Lý. Và Lý trở thành người nửa âm, nửa dương, có thể nghe thấy, nhìn thấy những hồn ma, bước vào thế giới của ma quỷ.
Bước thứ ba, đó là triệu hồi các hồn ma về, luyện chú thuật để điều khiển chúng.
Lý được ông Hoa dẫn vào trong căn phòng thờ âm binh. Ngước mắt nhìn quanh, thấy trên cao nhất là một chiếc đầu lâu, và hai bên là hai mảnh xương sườn người. Ông Hoa nói, xương đó là ông lấy từ dưới mộ người bị sét đánh chết, bên dưới là một bát hương to.
Lý rót ba chén rượu, lấy dao trích đầu ngón tay lấy ba giọt máu nhỏ vào, rồi thắp một nén hương, thực hiện nghi lễ gọi hồn ma tới. Mỗi tối một nén hương, khi nào thắp đủ 100 nén, thì âm binh đã được triệu hồi về đầy đủ, và có thể sai đi làm việc được.
Đủ 100 ngày triệu hồi âm binh, rồi được ông Hoa chỉ dạy thêm tất cả những ngón nghề bắt quyết, phù chú, vẽ bùa…Lý tiến bộ rất nhanh, chẳng phụ công thầy dạy dỗ.
Sau rất nhiều vất vả, Lý cuối cùng cũng đến ngày chính thức trở thành thầy phù thủy, có thể đi kiếm tiền nhờ khả năng điều khiển âm binh.
Có một điều quan trọng, mà ông Hoa nhắc đi nhắc lại, đó là 10h tối cho âm binh đi, tới đúng 5h sáng phải gõ chuông gọi quân về. Nếu quá giờ mà quên gọi về, các cửa âm phủ bị đóng lại, âm binh bị chặn không về được, sẽ bị Hắc Bạch Vô Thường cùng quan binh Âm Ty truy đuổi. Như vậy chúng sẽ ghim hận, tìm tới thầy và trả thù.
Và khi gọi chúng về, phải có sẵn một lễ khao quân gồm nhiều thứ, để thiết đãi cho chúng ăn, không thì chúng đói, sẽ phản lại thầy. Phải đặc biệt chú ý điều này, không được quên.
Khi mới vào nghề, Lý khởi nghiệp bằng cách gọi những vong hồn mới chết về để người thân hỏi chuyện.
Có ai thuê, Lý bảo họ ngồi vào điện thờ, thắp hương và viết vào giấy tên tuổi, nơi sinh và nơi mất của vong hồn, rồi cho âm binh đi tìm vong hồn ấy và kéo về, trả lời những câu hỏi của người nhà.
Cứ thế, mọi thắc mắc của những người thuê Lý đều được trả lời thỏa đáng, mọi người truyền tai nhau. Và dần dần, Lý cũng được nhiều người biết đến.
Rồi ngày càng đông người tìm tới Lý nhờ gọi hồn hơn. Có những người có thân nhân bị chết không thấy xác, tìm tới Lý nhờ giúp đỡ. Theo lời Lý dặn trong giấy, quả nhiên sau mấy ngày họ tìm được thi thể. Từ đó về sau, danh tiếng của Lý càng nổi. Sự nghiệp tiến triển, Lý chuyển sang tập làm những thứ khó hơn.
Lý bắt đầu điều khiển quân binh cho đi làm những việc như tát nước, chặt gỗ…mỗi khi có người thuê. Và đoàn âm binh của Lý tỏ ra rất đắc lực. Mọi việc đều được tiến hành từ 10h đêm cho tới 5h sáng.
Đúng 5h, Lý gõ ba hồi chuông gọi quân về, và không quên làm sẵn một mâm cúng thịnh soạn để khao quân.
Thành công đến với Lý quá nhanh, quá nguy hiểm. Chỉ ba năm, Lý đã có thể thành thạo đưa quân đi làm những việc mà ông Hoa – sư phụ của Lý phải mất 5 đến 7 năm mới làm nổi, danh tiếng nổi như cồn.
Lúc này, Lý thấy tự mãn với khả năng của mình. Lý quyết định vượt qua hàng rào những lời răn dạy của sư phụ, bắt đầu nhận lời làm những việc táo bạo hơn như đưa âm binh đi hại người. Đó là điều cấm kỵ của người luyện âm binh.
Lúc còn học nghệ, ông Hoa đã dặn đi dặn lại, dù thế nào đi nữa cũng không được dùng âm binh để hại người, vì ắt sẽ ặp quả báo. Thầy pháp có cao tay ấn đến mức nào, đứng trước quả báo, cũng chỉ là muỗi mòng mà thôi.
Lý đã phớt lờ đi những lời răn của sư phụ. Đồng tiền đã che tai, bịt mắt Lý lại, cứ thế càng ngày Lý càng dấn sâu hơn vào những phi vụ đen tối, đem âm binh đi hại người. Lý đâu biết chúng sẽ nhấn chìm cuộc đời Lý sau này.
Không ít những tên chủ bãi vàng, những tên buôn lậu bỏ ra số tiền không nhỏ, để nhờ Lý triệt hạ các đối thủ cản bước làm ăn của chúng, và Lý đều nhận lời.
Lý chờ đêm đến, cứ sau 10h là điều âm binh tìm đến những lán trại của những người được thuê để triệt hạ, rồi lệnh cho âm binh đốt lán trại giữa đêm, làm cho những người ấy chạy không kịp đều bị thương.
Có những chủ bãi vàng khi chạy còn bị âm binh chặn đường, xô cho ngã xuống núi, dù không chết nhưng cũng tàn tật. Lý không có ý định giết họ, mà chỉ làm vừa chừng để họ bị thương tật, và không sức làm gì được mà thôi.
Những việc làm đen tối của Lý ngày một nhiều, cuối cùng cũng đến tai của ông Hoa. Ông không kìm nén được tức giận, lập tức tìm đến gặp Lý.
Ông Hoa mắng mỏ hắn một trận. Hắn vẫn lễ phép vâng dạ với thầy, hắn nói là hắn không dùng âm binh giết người, mong thầy hiểu cho.
Ông Hoa thấy trong đôi mắt của Lý giờ chỉ có tiền. Ông bất lực, biết mình có nói gì cũng vô dụng. Không khuyên ngăn được Lý, ông đành thở dài mà ra về.
Sau những ngày trầm tư suy nghĩ, không muốn đệ tử mình dấn sâu thêm vào vực thẳm tội lỗi. Ông Lý đã giải nghệ mấy năm, không còn nuôi âm binh nữa. Nên ông đành quyết định tìm tới một thầy phù thủy khác, nhờ ông ấy đem âm binh của mình đến đánh úp quân của Lý. Mục đích là chặn Lý lại, buộc hắn phải dừng tay tạo ác. Và cuộc chiến giữa các thầy phù thủy bắt đầu nổ ra.
Vì Lý không biết trước, nên khi quân âm binh của thầy phù thủy kia bất ngờ ập đến, bao vây tứ phía. Rồi ào ào xông tới quyết chiến, âm binh của Lý đành chỉ biết đau khổ chống đỡ. Lớp bị chém, bị đâm xối xả, lớp gục xuống gào thét đau đớn…
Đêm hôm đó, trong làn gió mọi người gần xa đều ngửi thấy mùi tanh của máu. Trẻ con đứa đang nín thì khóc thét lên, còn đứa đang khóc thì tái mét, nín bặt lại. Người ta còn nghe thấy những tiếng kêu thất thanh hòa vào trong gió, rợn hết cả người.
Sau đêm đó, đoàn âm binh của Lý thương vong rất nhiều. 5h sáng, khi Lý gõ chuông rút quân về, Lý tá hỏa sực nhớ ra, rằng mình đã quên không chuẩn bị lễ khao quân như mọi khi.
Vừa bị đánh cho thương tích tơi bời, vừa mệt mỏi, đói khát cồn cào. Đã vậy về nhà lại không được cho ăn. Đám âm binh đùng đùng nổi giận. Bao nhiêu bức xúc chúng dồn hết lên đầu Lý. Chỉ chớp mắt, chúng ào ào xông tới tấn công, khiến Lý không kịp trở tay.
Không biết chúng đã làm gì, nhưng khi sáng ra, ông nội tôi bước vào, chỉ thấy Lý nằm vật trên sàn, mắt nhắm, miệng ú ớ mãi mới nói được một câu : “T..tì…tìm ông Ho…Hoa ! “ Rồi lăn ra bất tỉnh.
Ông nội tôi lập tức chạy tới nhà ông Hoa để cầu cứu. Nhưng ông lão từ chối. Ông nói Lý đáng bị như vậy, gieo nhân nào gặp quả nấy, có bị thế thì mọi người mới yên được. Nếu cứu Lý thì hắn ắt sẽ ngựa quen đường cũ.
Không thể ngồi trơ mắt nhìn bạn mình chết, ông nội tôi đã quỳ trước cửa nhà ông Hoa khẩn cầu ông ra tay cứu Lý. Đáp lại ông là vẻ mặt cương quyết của ông Hoa: Không là không!
Thực ra, ông Hoa có một nỗi khổ dấu kín trong lòng, chứ chẳng phải lòng dạ ông sắt đá. Trong tâm ông khi ấy cũng giằng co dữ dội.
Một ngày một đêm trôi qua, ông nội tôi vẫn quỳ ở đó, nhất quyết không đứng dậy cho đến khi ông Hoa nhận lời.
Cuối cùng, ông Hoa cũng mềm lòng, đành phải gật đầu đồng ý. Ông cùng ông nội tôi đi tới nhà của Lý.
Tới nơi, ông nội tôi thấy toàn bộ khu vực quanh đó âm u, lạnh lẽo đến rợn người. Còn ông Hoa thì thấy rất nhiều âm binh mặt mày hung tợn còn đang bao vây quanh đó, chưa chịu buông tha cho Lý.
Ông Hoa đứng yên lặng một lát quan sát, nét mặt toát lên sự sợ hãi. Rồi ông bước vào nhà, nhìn thấy Lý nằm bất động trên giường, đôi mắt vẫn nhắm.
Ông biết, tình hình đã trở nên cực kì nghiêm trọng. Nếu không ra tay sớm, không chỉ Lý sẽ chết mà còn kéo theo bao nhiêu hậu họa về sau, vì lũ âm binh giờ đây đã mất kiểm soát, chẳng ai điều khiển được chúng nữa.
Để càng lâu, chúng càng trở nên mạnh hơn và lôi kéo đông âm hồn tụ về, biến thành một âm sào quỷ huyệt, tác quái gây hại cho dân.
Khổ nỗi ông Hoa đã già, lại đã giải nghệ, không còn ở thời kỳ phong độ như xưa, không còn đủ sức mạnh để khống chế đám âm binh hung tợn đó.
Không còn cách nào khác, ông Hoa phải lặn lội mời tới sư huynh của mình, thủa xưa cùng học pháp thuật chung một thầy, tên là Hoàng. Nể tình đồng môn huynh đệ, cũng vì muốn cứu một mạng người, ngăn chặn hậu họa mai sau, ông Hoàng nhận lời.
Khi hai người vừa tới trước cửa nhà Lý, ông Hoàng bỗng dừng lại, đôi mắt đăm chiêu nhìn vào căn nhà đó. Hồi lâu, ông lắc đầu, vẻ mặt nghiêm trọng, từ từ đưa ánh mắt e ngại nhìn sang ông Hoa.
Dường như đã hiểu được ông Hoàng nói gì, nên ông Hoa chỉ biết nắm chặt tay sư huynh như muốn cầu cứu. Thở dài một hơi, ông Hoàng nói:
– Đó là nghiệp của hắn, đã gây ra ắt phải chịu quả báo. Cả ta và đệ đều hiểu, nếu muốn cứu hắn, nặng thì mất mạng, nhẹ thì cũng trở thành phế nhân.
Dù biết điều đó, nhưng ông Hoa vẫn muốn cứu Lý. Dù sao thì ông cũng là người đưa Lý vào nghề, ông cũng có trách nhiệm trong chuyện này. Nhưng ông Hoàng thì không thể mạo hiểm tính mạng của mình vì việc này. Ông quyết định rút lui.
Nghĩ tới tình nghĩa đồng môn, ông Hoàng rút trong túi đưa cho ông Hoa một quyển sách đã ngả màu, cũ đến mức không thể cũ hơn được nữa. Đó chính là quyển bí kiếp trận pháp trừ tà, do sư phụ hai ông để lại. Theo quy củ môn phái, cuốn bí kiếp này chỉ truyền lại cho đại đệ tử, thế nên chỉ ông Hoàng mới có.
Nhưng tình thế đã trở nên cấp bách, không lẽ trơ mắt nhìn sư đệ đi vào chỗ chết mà không trợ giúp chút nào, ông Hoàng đành phá lệ giao bí kiếp cho sư đệ mình.
Dặn sư đệ bảo trọng, rồi quay lưng bước đi.
Ông Hoa thở dài. Tay lật từng trang sách, mắt chăm chú không rời.
Mấy ngày trôi qua, sau khi đã nghiên cứu kĩ các loại trận pháp trong cuốn bí kiếp. Ông Hoa quyết định sử dụng trận đồ Bát Quái để phong ấn, nhốt đám âm binh ấy lại.
Đây là một pháp trận rất mạnh, tuy nhiên, nó đòi hỏi pháp sư phải tổn hao rất nhiều pháp lực để triển khai. Mà ông Hoa thì giờ đã già, lại giải nghệ một thời gian, pháp lực sút giảm đi rất nhiều. Nhưng mặc kệ, ông quyết liều cái mạng già của mình, thế nào cũng phải nhốt đám âm binh đó lại, cứu đệ tử mình thoát khỏi nguy kịch.
Ông Hoa gọi ông tôi đến để phụ ông chuẩn bị cho trận đồ trấn yểm. Ông sai đào một cái hố bát giác hình mai rùa, rộng chừng 20 mét vuông, sâu nửa mét.
Lấy 8 chiếc cọc cao tầm đầu người, chiếu theo 8 vị trí của Bát quái, đóng sâu xuống 8 góc, chỉ để nhô lên mặt đất khoảng nửa mét.
Ông Hoa làm phép gì đó, yểm vào 8 cái cọc, ông tôi xem không hiểu. Tiếp đến, ông lấy ra một loại pháp dược lỏng màu đen, vẽ lên đất nối 8 cái cọc đó với nhau, thành hình Bát quái. Rồi lại tìm hai con mèo một đen một trắng, đặt vào hai điểm tương ứng như hai mắt âm dương trong thái cực đồ.
Sau nhiều ngày vất vả chuẩn bị, một pháp trận kiên cố đã hình thành, chỉ chờ đúng ngày, đúng giờ để kích hoạt.
Ông Hoa đợi đến đúng rằm tháng 7, ngày mà âm khí mạnh nhất trong năm, chuẩn bị một mâm lễ cúng thịnh soạn, dặn ông nội tôi nửa đêm sẽ hành động.
Đêm ấy, dưới ánh trăng mờ ảo, ông Hoa và ông nội tôi đem lễ vật vào trong giữa trận đồ Bát quái, cùng với một bát hương thật to. Ông Hoa đốt đúng 100 nén hương cắm vào đó.
Ông Hoa giải thích, để dẫn dụ được đám âm binh ấy tiến vào trận đã bày sẵn, cần bày một lễ cúng. Chúng lâu ngày đang đói cồn cào, ta đem đồ ăn thức uống bày ra mời chúng. Thể nào chúng cũng trúng kế mà ào ào tiến vào giữa trận.
Khi ấy, ông sẽ làm phép kích hoạt trận pháp, nhốt chúng lại, giết chúng thì làm không nổi, nhưng chúng cũng không thể thoát ra khỏi trận, đó gọi là phong ấn.
Tiến hành trận pháp này hao tổn rất nhiều dương khí. Mà khi luyện thành thầy phù thủy, ông Hoa đã thành người nửa âm nửa dương, dương khí của ông chỉ còn một nửa so với người bình thường. Thế nên sau trận này, ông Hoa sẽ tổn hết dương khí, không thể sống tiếp.
Giờ tý, đúng nửa đêm, ông Hoa rút ra một tờ giấy màu vàng, dùng bút chấm vào một dung dịch sền sệt màu đỏ, viết lên giấy những kí tự ngoằn nghèo, đầy bí hiểm.
Chẳng phải giải thích thì ông tôi cũng biết ngay đó là vẽ bùa. Còn cụ thể là bùa gì thì trời biết, đất biết, ông Hoa biết, chứ ông nội tôi còn lâu mới biết.
Xong xuôi, ông Hoa ngồi xuống, tay bắt quyết, miệng râm râm đọc thần chú bằng một thứ tiếng kì quái mà ông nội tôi chưa nghe thấy bao giờ.
Lập tức, cảnh vật biến đổi khác thường. Những đám mây đen ùn ùn kéo đến, che kín ánh trăng vằng vặc của đêm rằm tháng Bảy. Bầu trời phút chốc đã chuyển sang tăm tối, mù mịt.
Những cơn gió bỗng nhiên rít lên từng cơn như những tiếng gào thét đầy ma quái. Cát bụi bị thổi tung mù mịt, những ngọn cây nghiêng ngả như muốn văng khỏi mặt đất.
Ông Hoa thì thầm vào tai ông tôi, nói rằng đó là đám âm binh đang kéo đến đánh chén. Hai người tiếp tục nằm án binh bất động, đợi một lúc cho chúng đến đông đủ.
Bất chợt, ông Hoa vùng đứng dậy, vụt đến chỗ trận pháp, lẹ làng như một cơn gió.
Ông rút ra một lá bùa màu vàng, tay bắt quyết, miệng đọc chú, rồi nhanh tay dán vào một trong 8 cây cọc, kích hoạt trận đồ Bát quái.
Đám âm binh thấy động, lập tức ào ào xông đến tấn công ông Hoa. Nhưng vừa đến đường kẻ ranh giới của trận pháp, một mãnh lực khủng khiếp đánh văng chúng trở lại. Đau đớn, chúng gào lên điên dại, mắt trợn lên hướng về phía ông Hoa gầm gừ. Rất nhanh, chúng nhận ra mình đã bị vây chặt ở đây.
Tất nhiên, chúng đâu có dễ dàng chấp nhận. Lớp này đến lớp khác, điên cuồng đem hết sức lực, cố xông ra khỏi kiết giới hình bát giác. Nhưng vô ích, mỗi lần chạm vào kiết giới, chúng giật nảy lên như bị điện giật, đánh bật trở lại. Tất nhiên, cảnh tượng này chỉ có ông Hoa là thấy, ông tôi chỉ là sau này được ông Hoa kể lại.
Ở bên ngoài, ông Hoa bộ pháp nhanh thoăn thoát, vừa di chuyển quanh 8 chiếc cọc, vừa đọc chú, yểm bùa vào từng cái cọc. Xong rồi đốt bùa. Ngọn lửa bùng lên, lập lòe như ánh ma trơi giữa núi rừng mông quạnh. Khi lá bùa cuối cùng cháy hết, ông Hoa khụy xuống, đổ sụp trên nền đất.
Ông nội tôi vội lao đến, đỡ ông dậy. Chỉ thấy gương mặt ông Hoa tái nhợt, ánh mắt thất thần, người không còn chút sức lực nào cả, dương khí trong ông đã tiêu hao hết.
Ông tôi cõng ông Hoa về nhà nghỉ ngơi. Rồi theo lời dặn của ông Hoa, ông tôi quay lại chỗ trận đồ Bát quái. Đóng tất cả 8 cọc ghim sâu xuống, rồi lấy đất lấp bằng cái hố bát giác đó lại. Thu gom mọi thứ, kiểm tra kĩ càng xong mới ra về.
Theo như lời ông Hoa, nếu có ai đó vô tình đi ngang qua, táy máy rút một cái cọc lên, lập tức trận pháp sẽ sụp đổ, đám âm binh hung tợn ấy sẽ ào ào xông ra. Bao nhiêu căm hận vì bị giam nhốt thời gian dài phát tiết, chúng sẽ điên cuồng tấn công, ám hại dân quanh vùng, hậu quả khôn lường.
Về đến nhà, ông Hoa lại đưa cho ông tôi một lá bùa, dặn đem đốt, rồi lấy tro hòa vào chén rượu, đem cho Lý uống. Quả nhiên, Lý uống xong, chỉ khoảng một tiếng thì tỉnh lại. Có thể đi lại binh thường, tuy nhiên sức khỏe không còn được một nửa như trước.
Lý cũng hiểu được, đó chính là quả báo, mình làm thì mình chịu. Còn sống cũng là may mắn lắm rồi. Nghe ông tôi kể lại mọi chuyện, đôi mắt Lý rưng rưng lệ. Lập tức cùng ông nội tôi tới nhà sư phụ, cảm tạ ơn thầy đã liều mạng cứu mình.
Thấy Lý tới, ông Hoa chậm rãi ngồi dậy, khoát tay ra hiệu không cần cảm ơn. Rồi ông thong thả khuyên Lý vài câu, đại khái là sau này phải cải ác tùng thiện, siêng năng tạo phước thật nhiều, mới có thể hóa giải phần nào những nghiệp chướng lúc trước đã tạo, có thế mới mong sống yên ổn được.
Sâu trong lòng, Lý đã thực sự hối hận. Lý hứa sẽ làm đúng như lời ông Hoa căn dặn, và đó là những lời nói thật lòng.
Nhìn gương mặt thầy mình hốc hác, già đi đến cả chục tuổi chỉ trong một đoạn ngắn thời gian. Bằng con mắt của một thầy phù thủy, Lý thấy âm khí đã bao phủ kín trên thân hình gầy guộc ấy, ông Hoa chẳng còn sống được bao lâu. Những giọt nước mắt muộn màng, lặng lẽ lăn dài trên má người đệ tử. Ông Hoa tiếp lời :
– Thôi, con đừng buồn nữa. Con nhớ lời ta làm như vậy, ta đi cũng an lòng.
3 tháng sau, ông Hoa mất. Lý, ông nội tôi, cùng bà con khắp bản làng có mặt đầy đủ, tiễn đưa ông Hoa về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiếng kèn đám ma bi ai, nặng trĩu tâm can những người có mặt.
Những ngày sau đó, hàng đêm trong giấc mơ của Lý, luôn văng vẳng những tiếng kêu la, gào thét của lũ âm binh. Vì có một mối liên thông giữa chúng với Lý, nên dù không thoát khỏi trận pháp, chúng vẫn có thể hiện vào giấc mơ của Lý, đòi Lý thả chúng ra, không thì cũng dày vò tâm can Lý bằng đủ mọi cách ma mị mà chúng có thể làm.
Đêm nào cũng vậy khiến Lý cực kì bất an. Cuối cùng, Lý cùng ông tôi từ biệt mảnh đất Lai Châu ấy, lên đường trở về quê nhà.
Lý cố gắng xóa đi cái quá khứ bi thương ấy, bằng cách nỗ lực làm thật nhiều việc thiện. Ai nhờ gì là hăng hái giúp ngay, mà không nhờ Lý cũng giúp, chẳng bao giờ cần một sự báo đáp nào cả. Thế nên làng xóm ai cũng thương, cũng quý, mà mấy ai biết được hết ẩn tình đằng sau. Cho tận đến những ngày cuối đời, bệnh tật hành hạ ông Lý liệt giường chiếu, người đời cho rằng trời bất công. Còn ông nội tôi chỉ lặng lẽ thở dài, ông biết, luật Nhân quả một ly cũng không có sai, chỉ là không phải ai cũng tỏ tường sự thật đằng sau mà thôi.
Kể tới đây đôi mắt ông nội tôi đỏ ngầu rưng rưng lệ. Ông quay sang nhìn vào mắt tôi, chậm rãi nói:
– Cháu à, đừng bao giờ vì cái lợi của mình mà hại người khác. Thay vì thế, hãy giúp đỡ mọi người mỗi khi có thể…
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng câu nói của ông vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi, luôn dẫn bước soi lối cho tôi trên những nẻo đường đời.
( Nguồn : Truỵenmacothat.net )