Nhiều năm trước, tại một hội trường lớn có một vị học giả nói với mọi người rằng Phật là tuyệt đối không tồn tại.
Lúc mọi người muốn ông ta chứng minh lời mình nói là đúng, ông ta liền cao giọng nói như thách thức Đức Phật:
– Đức Phật nếu quả thực người có linh, hãy xuống đây, trước mặt rất đông mọi người hãy giết chết ta đi, thì chúng tôi sẽ tin là người thực sự có tồn tại.
Ông ta cố ý lặng yên chờ mấy phút nữa, đương nhiên là Đức Phật không xuống để giết chết ông ta. Ông ta liền nhìn mọi người xung quanh và nói:
– Mọi người thấy rồi đấy, Đức Phật vốn dĩ là không tồn tại.
Bất ngờ có một người phụ nữ nông thôn, trên đầu quấn một chiếc khăn, nói với ông ta:
– Tiên sinh, lý luận của ông rất cao minh, ông là một học giả uyên bác. Tôi chỉ là một phụ nữ nông thôn, không thể phản bác lại ông, chỉ muốn hỏi ông một câu hỏi ở trong tâm trí của tôi: Từ trước đến nay đã nhiều năm rồi, tôi luôn tin vào Phật, tin vào những lời dạy bảo của Phật và cảm thấy vô cùng thoải mái.
Bởi vì trong lòng luôn tràn ngập niềm tin vào Phật , điều đó đã đem lại cho tôi sự bình yên và hạnh phúc to lớn nhất. Tôi hỏi ông: Nếu như khi tôi chết, phát hiện rằng những gì tôi tin vào Đức Phật hết thảy đều không tồn tại, nhưng cả đời này của tôi đã tin vào Phật, vậy tôi sẽ bị tổn thất cái gì?
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu, cả hội trường yên lặng, người nghe cũng rất đồng ý với suy luận của người phụ nữ này, ngay cả vị học giả cũng thán phục suy nghĩ logic này. Ông thấp giọng trả lời:
– Phu nhân, ta nghĩ bà không bị tổn thất cái gì cả.
Người phụ nữ nông thôn lại nói với vị học giả:
– Cảm ơn câu trả lời của ông, trong tâm tôi có một thắc mắc, nếu khi mà ông chết, ông thấy những gì Đức Phật răn dạy là đúng sự thật, nhân quả, nghiệp báo, lục đạo luân hồi là có tồn tại thật. Tôi muốn hỏi ông sẽ mất những gì?
Vị học giả suy nghĩ một hồi lâu và không nói được lời nào.
____________________
Vị học giả trong câu chuyện trên, không có được tinh thần khách quan của một nhà khoa học cần phải có, ông ta nói cái này không có, cái kia không đúng… bằng những lập luận rất trẻ con: Không thấy thì là không có. Vậy không lẽ trước khi Colombus tìm ra châu Mỹ vào năm 1492, thì có thể kết luận luôn là trước đó châu Mỹ không tồn tại sao ?
Cũng như nhiều người khác, chẳng phải nhà khoa học chân chính gì cả, nhưng lại hay tự phong cho mình là sứ giả của Khoa học, ảo tưởng rằng “Ta đây biết hết !”, họ thường chẳng bỏ công ra nghiên cứu, tìm hiểu những chuyện xảy ra trong thực tế gì cả, mà vội vàng kết luận Phật Giáo là mê tín, là sai lầm bằng cái nhãn quan “biết tuốt” của mình. Trong khi Phật Pháp tồn tại hàng ngàn năm qua ở rất nhiều quốc gia, đã – đang và sẽ luôn chữa lành những căn bệnh, hóa giải những khó khăn, tiêu trừ những đau khổ cho hàng triệu, hàng tỉ người bằng những phương pháp đầy đủ cơ sở lập luận.
Nhiều người không đồng tình với cách lập luận của Phật Giáo, nhưng THỰC TẾ lại đồng tình. Đó, cái đó mới là quan trọng, một lí thuyết đúng thì nó sẽ có hiệu quả trong THỰC TẾ. Và bằng chứng về sự hiệu quả khi áp dụng Phật Pháp mà thực tế đã “đóng dấu” kiểm chứng là vô số.
Trái ngược hẳn với những “ nhà khoa học tự phong”, nhà khoa học lỗi lạc nhất thế giới- Albert Einstein, người xứng đáng đại diện cho tinh thần khoa học chân chính, luôn khách quan và cẩn thận, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng về Đạo Phật, ông đã tuyên bố rằng :
“Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo. Phật giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì Phật giáo bao gồm khoa học cũng như vượt qua cả khoa học.”
Thưa quý vị, suốt hàng ngàn năm lịch sử, hàng triệu, hàng tỉ người ở các nền văn minh khác nhau, đủ mọi tầng lớp khác nhau vẫn theo Đạo Phật, họ quý kính và tôn thờ Đức Phật, dù lẫn trong đó cũng có những người mê tín, xong đó chỉ là một bộ phận. Còn lại có rất nhiều bậc trí giả cao minh, học vấn uyên thâm, còn có cả những nhà khoa học thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, họ cũng theo Đạo Phật, vì sao ?
Vì rằng, họ đã tìm hiểu và thấy được giá trị lợi ích thiết thực của Phật pháp đối với đời sống con người và xã hội, thấy được những gì Đức Phật dạy là chân lý. Họ nhận thấy đạo Phật không đơn thuần là một tôn giáo với những giáo điều mang tính gượng ép, mà Phật Pháp còn bao trùm cả khoa học, triết học, đạo đức học, nghệ thuật sống…Họ thấy cả một chân trời mới mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài kinh điển Phật dạy.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người theo Phật vì hưởng ứng theo số đông hoặc vì noi theo truyền thống tổ tiên để lại, hoặc vì hoàn cảnh cuộc sống gặp trắc trở gì đó nên mới tìm đến của chùa, cốt để giải quyết khó khăn của mình.
Họ cũng đi chùa, cúng bái, lễ lạy, nhưng ít khi bận tâm đến giáo lí của Đức Phật. Thật là một điều đáng tiếc, vì thực ra như thế, họ mới chỉ đến được trước cửa Phật, chưa có vào được bên trong nhà của Như Lai, chưa biết đến những kho tàng quý giá mà Đức Phật để lại.
Chúng ta nên theo Phật, không chỉ dựa vào niềm tin, mà còn cần dựa vào trí tuệ, vì Đạo Phật là Đạo của chân lí, của sự thật, sự thật như thế nào, biết đúng như thế, không thêm, không bớt.
Không chỉ như thế, những sự thật mà Đức Phật dạy còn là con đường dẫn chúng ta đến những thành tựu tốt đẹp, đến an vui và hạnh phúc, vậy nên chúng ta gọi đó là chân lý.
Bằng chứng là Phật Pháp từ hàng ngàn năm qua, đã vượt qua danh giới của mọi lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa… soi sáng cho nhận thức của nhân loại.
Đạo Phật có mặt ở đâu, đều đem lại an lạc, hạnh phúc, xoa dịu những nỗi đau khổ cho con người, dù người đó ở nền văn hóa nào, màu da nào, giai cấp nào, trong hiện tại và tương lai, vẫn luôn là như vậy.
Bạn cần một dẫn chứng cụ thể hơn ? Vậy tôi xin đơn cử một câu chuyện với đầy đủ danh tính, người thật việc thật như sau:
“Cô Phạm Thị Minh Yến, hiện cư ngụ tại địa chỉ 104 lô P cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM, phát hiện mình bị bệnh hở van tim khi mới 25 tuổi.
Đó là năm 1975, lúc đó cô đang mang thai đứa con thứ hai, cô đi khám thai định kỳ, bác sĩ cho biết là cô hở van tim khá nặng, chỉ được phép sinh cháu này xong thì phải đoạn sản.
Cho đến năm 2010, cô cảm thấy bệnh trở nặng, tim nhói đau như châm chích từng cơn, có lúc nóng ran và choáng váng, thường ngất đi rồi tỉnh lại, áp huyết tuột thường xuyên, sinh hoạt không còn bình thường như trước, yếu ớt chậm chạp. Vào ngày 14/6/2010, cô buộc lòng phải đi siêu âm tim, và đo điện tâm đồ tại bệnh viện Bình Thạnh. Kết luận của bác sĩ chuyên khoa Lê thị Kim Hồng như sau:
– Đóng vôi hai lá van, dày dính mép van.
– Hở van 2 lá 2/4 – hở van động mạch chủ 1,5/ 4, thiếu máu cơ tim cục bộ .
Theo cô được biết, đóng vôi hai lá van làm cho cơ tim cứng, hoạt động khó, chức năng của van bị giảm dần những khi huyết lưu thông lên não bộ. Trong trường hợp van cố gắng đàn hồi bị cứng …thì có thể đưa đến đột tử bất cứ lúc nào.
Thật là nghiệt ngã đến buồn cười … vì cô cũng là bác sĩ, nhưng bác sĩ bị bệnh thì cũng như mọi người thôi, suốt 40 năm, căn bệnh này luôn hành hạ cô, nhiều phen nguy kịch chết đi sống lại, phải đi cấp cứu, xong cũng chẳng chữa dứt được.
Cái chết mà đến mau với cô cũng như giải phóng kiếp đọa đày sớm, điều đáng mừng hơn đáng buồn.
Và cuối cùng, cô tìm đến pháp môn niệm Phật, một trong những phương pháp dễ thực hiện nhất của Đạo Phật.
Đơn giản là hàng ngày cô niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, lặp đi lặp lại chỉ một câu, vậy thôi. Thời gian cũng không cố định, lúc nào rảnh cô cũng niệm với lòng thành và tin tưởng, siêng năng, niệm hoài không ngừng nghỉ.
Thế rồi dần dần, cô thấy có giảm những triệu chứng mệt mỏi, ngất xỉu xuống khoảng 60%. Càng ngày cô cảm thấy sức khỏe càng tăng, cô không bị mệt nhiều như trước. Cô hoàn toàn đổi tướng, trẻ ra, tóc đen, thấy khỏe và hăng hái làm việc nhiều, chân cô không còn đau khớp nữa. Cô tăng cân và hồng hào, tươi tắn, học giỏi nên đã thi đậu lương y đa khoa rồi.
Ngày 15/12 /2011, cô đi siêu âm và đo điện tâm đồ, theo kết luận của bác sĩ chuyên khoa Lê Quang Thạnh, bệnh tim của cô đã bình phục.
Cô bắt đầu niệm Phật từ ngày 4/5 đến ngày 15/12/2011, tổng cộng được 7 tháng 11 ngày, cô niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mà đã tan hết vôi hóa van tim, cũng có nghĩa là bệnh tim hơn 40 năm trời nay không chữa trị được, đã có thể lành mạnh như xưa! Đây là một sự mầu nhiệm không thể nghĩ bàn của tiếng niệm Phật.
Câu chuyện chữa bệnh bằng Phật Pháp của cô được cô chia sẻ công khai trên các diễn đàn, tất cả hồ sơ bệnh án, siêu âm, điện tâm đồ… của cô đều có lưu trữ đầy đủ, nếu bạn cần kiểm chứng, bạn có thể tìm đến địa chỉ của cô đã ghi ở trên, hoặc gửi email cho cô : minhyen1408@yahoo.com ”
Một câu chuyện này thực ra chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc mênh mông những chuyện linh ứng nhờ Phật Pháp từ ngàn xưa đến nay, đó là một sự thật không thể phủ nhận được.
( Vì có quá nhiều bằng chứng tương tự như trên, không thể đưa hết ra bài viết này, bạn muốn tìm hiểu vui lòng bấm vào đường link sau : https://nhanqua.com.vn/category/chuyen-nghiep-chuyen-linh-ung )
Tuy nhiên, hóa giải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, trong kiếp nhân sinh của chúng ta, không phải là giá trị cốt lõi của Đạo Phật. Đó mới chỉ là những phương tiện để chúng ta tiếp cận được với Phật Pháp, là những cánh cổng dẫn đến kho tàng quý giá ẩn chứa bên trong.
Chúng ta đến với đạo Phật không nên chỉ để cầu khẩn van xin những điều linh ứng, không nên chỉ để nương tựa uy lực của Đức Phật chỉ để cầu may mắn, bình an, mà quan trọng nhất là để làm theo những điều Phật dạy, để đi theo tiếng gọi của chân lý.
Chân lý ấy hướng về những sự thật của vũ trụ mà Đức Phật đã giác ngộ, đó là duyên sinh, là nhân quả nghiệp báo, là vô thường, khổ, không, vô ngã, là phương pháp tu hành đưa đến sự Giác ngộ, giải thoát khỏi mọi đau khổ trong luân hồi sinh tử này.
Hiểu được những chân lý ấy, khiến cho tư duy của chúng ta thăng tiến lên những trình độ mới, mở ra những kho tàng vô giá mà không có vàng bạc châu báu nào so sánh được, đưa chúng ta đến những chân trời mới, siêu việt ra khỏi kiếp người bé nhỏ.
Nếu những ai theo Phật mà chỉ dựa trên một niềm tin mơ hồ không suy xét, hoặc niềm tin dựa trên cảm tính, mà không phát triển tư duy, lý trí, đào sâu trí tuệ để hiểu rõ những lời Phật dạy, từ đó thực hành theo để trải nghiệm những thăng tiến về tâm linh, đức hạnh, thì sớm muộn niềm tin ấy cũng bị đổ vỡ.
Những người như thế chưa thực sự biết đến “kho báu” chân chính của Phật. Đạo tâm của họ mong manh, dễ dàng bỏ Đạo, mất niềm tin nơi Đạo Pháp, chính vì vốn người ấy chưa hiểu Phật Pháp thật sự là như thế nào.
Thế nên họ dễ dàng bị lôi cuốn, dụ dỗ, dễ bị lừa gạt, bị những kẻ tu hành giả mạo lợi dụng, cuối cùng sụp đổ niềm tin, hoặc tha hóa, bỏ theo tà đạo, hoặc rơi vào mê tín dị đoan, làm điều tà mị, lại gây hiểu nhầm cho những người khác.
Tóm lại, khi chúng ta tìm đến Phật Pháp, cần phải giữ một thái độ khách quan như một nhà khoa học, thận trọng quan sát thực tế để kiểm chứng đúng sai, thật giả. Tránh vội vàng đem thành kiến bản thân để phủ nhận cái này sai, cái kia không có. Đó là xu hướng sai lầm thứ nhất.
Ngược lại, cũng không nên chỉ thuần có một niềm tin, ai nói gì cũng tin, chẳng màng đến tư duy, suy xét. Niềm tin mà không được soi sáng bới trí tuệ, sẽ dễ dàng đưa người ta vào mê tín, gây hiểu nhầm cho nhiều người khác. Đó là xu hướng sai lầm thứ hai.
Tránh được hai xu hướng sai lầm ấy, trí tuệ mới có “đất” để phát triển, hiểu đúng được chân lý.
Đầu tiên lấy thái độ khách quan để học hỏi, nghiền ngẫm những kinh điển của Phật để lại. May mắn cho chúng ta là thời nay kinh Phật vẫn còn, nếu thấy khó hiểu ta có thể đọc những kinh dễ hiểu một chút như kinh Thiện Ác Nhân Quả, kinh Nhân Quả Sai Biệt, kinh Pháp Cú, kinh Địa Tạng, kinh Vô Lượng Thọ…, rồi dần dần nghiên cứu những kinh cao siêu hơn như kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, kinh Đại Bát Niết Bàn .v.v…
Sau đó đối chiếu với thực tế cuộc sống, không ngừng quan sát, nghiền ngẫm, so sánh, tham chiếu, và nhất là phải THỰC HÀNH để có được sự nghiệm chứng trong thực tế. Có được sự nghiệm chứng này rồi, ta mới thực sự thấm thía lời Phật dạy, điều đó khác xa so với bước đầu – học trên lí thuyết.
Kết hợp song song như thế, vừa nghiên cứu kinh điển, vừa đối chiếu với thực tế, ta sẽ tìm ra được chân lí, thực sự hiểu được lời Phật dạy.
Nhờ đó, chúng ta mới có thể phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất, bằng những phương pháp trí tuệ nhất để đạt được mục tiêu an lạc hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.
Người Phật tử trên bước đường tu học cũng giống như một con thuyền đang lướt sóng trên biển cả bao la không thấy biên bờ, sẽ phải gặp nhiều khó khăn gian khổ, nhiều chông gai thử thách, và nhất là rất dễ mất phương hướng.
Nhưng một khi con thuyền đã có được la bàn tốt, có được bản đồ chuẩn xác, biết đích xác đâu là bờ thì vấn đề còn lại chỉ là nhanh hay chậm.
Người Phật tử cũng vậy, một khi đã có niềm tin chân chính dựa trên trí tuệ, đã thấy rõ mục tiêu hướng đến, bằng sự tinh tấn nỗ lực sẽ mau chóng thành tựu, đạt được lý tưởng của mình.
Cuối cùng cầu chúc cho tất cả quý vị thân tâm thường an lạc, Bồ Đề tâm kiên cố, học hỏi, nghiền ngẫm, thấm thía sâu xa giáo lí của Phật dạy mà sớm viên thành Chánh Đẳng Chánh Giác, quảng độ chúng sanh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
(Thiện Như – Quang Tử)