Một thủa Đức Phật ngụ ở Tinh Xá Kỳ Viên, Phật cùng tôn giả Xá Lợi Phất tản bộ bên ngòai tinh xá. Bỗng trên trời xuất hiện một con chim ưng đói ăn, đang đuổi bắt một con chim bồ câu. Chim bồ câu bị rượt đuổi thì hỏang hốt chạy trốn và nhanh nhảu bay đến núp cạnh Phật, bồ câu nhờ khôn ngoan biết chọn đậu núp dưới bóng của Phật nên con chim ưng chẳng dám tới làm hại.
Nhờ vậy, nó được yên lành, vẻ hoảng sợ ban nãy cũng tan biến. Khi đó, Đức Phật tiếp tục bước tới, thân Ngài di động tiến lên, vô tình bóng của Phật rời khỏi con bồ câu, và bóng Ngài Xá Lợi Phất phủ lên nó, nó liền lộ vẻ hoảng sợ hãi hùng. Ngài Xá Lợi Phật thấy vậy, liền thưa với Phật :
– Bạch Thế Tôn ! Vì sao con chim bồ câu núp bên Phật nó chẳng hoảng sợ, còn con vừa tới gần nó , nó lại run rẩy như vậy ?
Đức Phật đáp :
– Này Xá Lợi Phật, ông tuy tam độc đã trừ, nhưng tập khí còn chưa hết, vì vậy khi ở gần con chim, nó vẫn hoảng sợ. Rồi Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất :
– Ông hãy quán sát nhân duyên kiếp trước của con chim này xem, từ khi nó đánh mất thân người bị đọa làm chim đã bao nhiêu lâu rồi ?
Ngài Xá Lợi Phất liền nhập định, một lúc sau ông nhập định, thưa với Phật :
– Con chim bồ câu này bị đọa làm chim đến nay đã được tám vạn kiếp, kiếp nào cũng làm thân bồ câu, nhưng vì sao nó phải đọa làm thân chim thì con không rõ.
Đức Phật nói :
– Ông đã không rõ đời quá khứ của con chim, vậy thì hãy quán sát đời vị lai nó xem bao giờ nó mới thoát khỏi kiếp chim, được làm người trở lại ?
Ngài Xá Lợi Phất nhập định một lúc rồi thưa :
– Bạch Thế Tôn ! Đệ tử chỉ quán sát được tám vạn kiếp nữa nó vẫn làm thân chim, còn bao giờ nó được làm người thì đệ tử chẳng biết rõ.
Đức Phật dạy :
– Con Bồ câu này đời quá khứ đã phạm các tội : sát, đạo ,dâm, vọng…đợi đến khi nó trải qua số kiếp làm thân chim nhiều như số cát trong sông Hằng rồi, thì nó mới được làm người . Ở trong nhân đạo làm người trải qua 500 đời, lúc ấy có Phật xuất thế, nó sẽ xuất gia làm tỳ kheo, tu theo pháp Phật. Trải qua ba A Tăng-kỳ kiếp, siêng tu sáu Ba-la-mật ( là pháp môn của Bồ Tát, gồm Bố Thí Ba-la- mật, Trì giới Ba-la- mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mật, Bát Nhã Ba -la-mật ), chứng qua các bậc Bồ tát Thập Địa, cuối cùng sẽ thành Phật.
Ngài Xá Lợi Phất nghe xong liền tán thán :
– Đệ tử trí tuệ kém cỏi, ngay một con chim bồ câu cũng chẳng rành về quá khứ, vị lai của nó…Trí tuệ của Phật thật uyên thâm, vô cùng vô tận, không gì so sánh được. Đệ tử nguyện dốc lòng tu tập để đạt được Phật tuệ sáng suốt cao thâm, có thể rộng độ và giúp ích cho chúng sinh.
__________________
Lạm bàn :
Xưa nay chúng ta từng được nghe trí tuệ Phật vô biên vô lượng, nhưng qua chuyện này, ta mới phần nào tỏ rõ được một phần nhỏ bé, nhỏ như giọt nước trong biển cả bao la, để biết được như thế nào thì gọi là “vô biên vô lượng”.
Khi ngài Xá Lợi Phất – vị đại đệ tử từng được Đức Phật khen ngợi là bậc trí tuệ đệ nhất trong hàng A La Hán , muốn biết tiền kiếp hay vị lai của con chim bồ câu, ngài phải nhập định. Còn Đức Phật thì tuệ giác luôn sáng tỏ, Phật không cần nhập định vẫn thấy biết rõ ràng tất cả vô lượng kiếp của con chim.
Khi nhập định quán sát, thì vị trí tuệ nhất trong hàng A La Hán cũng chỉ thấy được 8 vạn kiếp quá khứ và vị lai của con chim, muốn biết thêm cũng không được.
Còn Đức Phật, Ngài vừa nhìn đã biết suốt từ vô lượng kiếp xưa , khi còn làm người , con chim này đã tạo những tội gì. Phật lại thấy luôn vô lượng kiếp sau của con chim, từ số kiếp làm thân chim ( bằng số cát trong sông Hằng ), đến số kiếp làm thân người( 500 kiếp ), và Phật biết luôn chú chim bồ câu này sau sẽ xuất gia, từ đó tu theo lục độ Ba la mật trải 3 A tăng kỳ kiếp, qua các tầng bậc Bồ Tát , sau cùng thành Phật.
Trí tuệ Phật quả thực vô cùng vĩ đại, không có ngằn mé, không có hạn lượng, thấu suốt các pháp của thế gian và cả xuất thế gian. Không chân lí nào mà Phật không biết rõ, không con đường nào là Phật không thông tỏ. Uy đức của Phật chói sáng vời vợi, đến mức ngay cái bóng của Phật cũng có thể phá tan sợ hãi cho chúng sinh.
Nếu ta có đem mặt trời để ví von, ca tụng Phật thì chỉ là vì chẳng biết lấy gì hay hơn để ví mà thôi, còn thực ra một mặt trời chứ đến trăm tỉ, ngàn tỉ mặt trời cũng chẳng thể đem so với trí tuệ của Phật được . Thế nên , ta càng thấm thía rằng , thật diễm phúc thay, thật may mắn thay, thật tự hào thay khi ta được làm đệ tử của Đức Phật.
Hiện nay, rất nhiều người ảo tưởng rằng khi khoa học phát triển, thì những vấn đề tâm linh mà đạo Phật nói như quỷ thần, luân hồi, nhân quả .v.v… sẽ bị xóa sổ trước lăng kính của khoa học. Họ tưởng rằng sớm thôi, nhân loại sẽ chẳng còn ai tin vào những điều đó.
Nhưng thực tế lại đi ngược lại với những điều họ ảo tưởng. Khoa học càng phát triển, thì họ lại càng tìm ra được nhiều bằng chứng hơn, xác thực lại những điều Đức Phật nói là sự thật.
Ví dụ như vào thập niên 1670, Antonie van Leeuwenhoek, nhà khoa học và thương nhân người Hà Lan, đã cải tiến kính hiển vi và phát hiện ra vi khuẩn. Đến khi đó, khoa học mới biết đến những sinh vật nhỏ bé vô cùng mắt thường không nhìn thấy, và coi đây là một khám phá vĩ đại của loài người.
Thế nhưng họ không biết rằng, Đức Phật đã miêu tả về những sinh vật nhỏ bé ấy trước họ hàng ngàn năm. Thủa đó, khi Đức Phật trông thấy các đệ tử dùng gáo múc nước sạch trong chum để uống, Phật dạy: “Các ông phải niệm chú trước khi uống nước ấy, vì trong nước đó có nhiều sinh vật rất nhỏ bé”.
Thời đó chưa có kính hiển vi, người ta chỉ có thể tin Phật mà làm theo chứ không thể nhìn thấy vi khuẩn. Nhưng với công nghệ hiện nay thì nhân loại đã nhìn thấy được, và điều Phật nói đã được công nghệ khoa học chứng thực.
Những điều như thế đã khiến Albert Einstein, nhà khoa học lỗi lạc nhất thế kỉ XX tò mò và bỏ công nghiên cứu về giáo lý đạo Phật. Càng nghiên cứu thì ông lại càng thấy bất ngờ vì những điều Đức Phật dạy, không những chính xác, mà còn bỏ xa hiểu biết hạn chế của khoa học. Và ông – đại diện không thể uy tín hơn cho giới khoa học, phải thừa nhận rằng:
“Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo xu hướng của khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.”
Vậy nên những người đã quy y làm đệ tử Phật, thay vì chỉ biết cầu xin khấn vái, đi hết chùa này đến chùa khác chỉ để tham quan du lịch, cần thường xuyên bỏ thời gian mà nghiên cứu học hỏi trong kinh điển Đức Phật để lại, đồng thời bỏ công sức mà tư duy, phân tích, so sánh với cuộc sống thực tế… để có thể hiểu được những tinh hoa, tuyệt diệu của trí tuệ Phật ẩn chứa trong bao nhiêu kinh điển, mà ứng dụng trong cuộc sống, không uổng một kiếp người được làm đệ tử Phật – đấng Thiên Nhân Sư thầy của khắp trời người.
(Quang Tử)
________________
*Phật Pháp vi diệu nhưng rộng lớn quá, khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu ?
Hoặc bạn đã tìm hiểu nhiều xong vẫn còn cảm thấy chưa nắm được những điểm mấu chốt để áp dụng là những điểm nào ?
Chính vì vậy, Quang Tử đã tóm gọn lại những bài viết mang tính then chốt, chứa đựng những giáo lý mang tính ứng dụng thực tế cao, được nhiều người quan tâm trong thời đại này, mà bất cứ người nào cũng cần nắm rõ, làm hành trang căn bản, để ứng dụng hóa giải mọi khổ đau của cuộc đời.
21 bài viết và video trong fanpage Facebook này, 21 chủ đề khác nhau, tuy chẳng là gì so với biển học mênh mông của Đạo Phật, xong hi vọng sẽ giúp bạn thỏa mãn khao khát tìm hiểu, nắm vững yếu chỉ then chốt. Hãy bấm vào link bên dưới và lần lượt khám phá từng bải viết.
↓↓↓
LINK 21 BÀI HỌC THEN CHỐT