Ken Bi:
-Chào anh Quang Tử, làm ơn cho em hỏi, em có đọc Chú Đại Bi, nhưng em thấy, cùng là một câu, mà có bản ghi là : “Tát Bà A Tha Đậu Thâu Bằng”, còn có bản khác ghi là “Tát Bà A Tha Đậu Du Bằng “
Vậy anh cho em hỏi 2 câu trên câu nào là đúng vậy anh ? Còn nếu đọc tụng Chú Đại Bi tiếng Việt với tiếng Phạn thì bản nào tốt hơn, em chưa đọc tiếng Phạn mà nghe nói tiếng Phạn đúng hơn phải không ạ ? Cảm ơn anh!
Quang Tử :
– Bạn thân mến, Đức Phật vốn là người Ấn Độ sống cách đây hơn 2500 năm, nên khi dạy các thần chú, Ngài đều dùng ngôn ngữ Ấn Độ cổ, tức là tiếng Phạn mà thuyết ra.
Sau này khi các vị đại sư đệ tử Phật truyền bá kinh chú từ Ấn Độ đi các nước khác, thì các ngài gặp một vấn đề, đó là người nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… rất khó khăn để phát âm cho đúng.
Những ai đã học tiếng nước ngoài sẽ dễ dàng hiểu vấn đề này, viết thì có thể viết được, xong để phát âm tiếng nước ngoài giống hệt như người bản xứ là cực kì khó. Như tiếng Việt, một số người nước ngoài học tiếng Việt một thời gian cũng có thể nói tiếng Việt để giao tiếp với chúng ta, xong họ cất tiếng lên là ta nhận ra ngay sự khác biệt, vì cách phát âm của họ lơ lớ, không chuẩn xác.
Thêm nữa những kí tự viết của chữ Phạn khác hoàn toàn với kí tự chữ Trung Quốc, khác hoàn toàn với kí tự chữ Quốc ngữ của Việt Nam.
Vậy làm thế nào để những người nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam với những bộ chữ có kí tự khác hẳn …có thể dùng những kí tự chữ viết của họ ghi chép được thần chú, mà khi đọc ra tiếng giống như bản thần chú tiếng Phạn để lưu truyền rộng rãi được ?
Một bài toán khá là hóc búa. Đối diện với vấn đề này, những Đại Sư mang trọng trách truyền bá thần chú của Phật sang những ngôn ngữ khác đã dùng một cách, đó là dùng những chữ có cách phát âm gần giống nhất với những từ tiếng Phạn trong bài chú, ghép thành một bản gọi là bản phiên âm.
Tuy nhiên, bản phiên âm không thể nào giống 100% như bản gốc tiếng Phạn được, luôn có một độ lệch nhất định.
Ví như người Trung Quốc sử dụng các kí tự tượng hình làm chữ viết, khi phiên âm một bản thần chú, thì không thể tìm ra kí tự nào phát âm giống hoàn toàn 100% với bản tiếng Phạn cả, đành phải thay thế bởi một kí tự phát âm gần giống như thế. Cứ thế phiên âm ra ( xin chú ý, phiên âm chứ không phải dịch) thì sẽ được một bản thần chú viết bằng chữ Trung Quốc, đọc lên nghe na ná gần giống với bản tiếng Phạn, còn gọi là bản đọc trại.
Sau đó, bản đọc trại theo tiếng Trung Quốc này được truyền bá sang Việt Nam. Lại gặp một vấn đề tương tự khi phiên âm, người Việt Nam dùng kí tự La Tinh làm chữ viết, không tài nào dùng chữ Việt mà viết thành một bài phiên âm khớp 100% với bản tiếng Trung Quốc được.
Thế là các vị sư mang sứ mệnh phiên dịch, đành phải viết lại thành một bản phiên âm tiếng Việt, đọc trại theo bản tiếng Trung Quốc, vốn đã là một bản đọc trại từ tiếng Phạn.
Vì sao vị ấy không phiên âm thẳng từ bản tiếng Phạn sang tiếng Việt ? Có lẽ đơn giản là vì khi ấy không tìm được bản tiếng Phạn, hoặc người dịch chỉ chuyên về tiếng Trung Quốc chứ không chuyên về tiếng Phạn. ( rất nhiều kinh điển tiếng Việt là dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, chứ không phải từ tiếng Phạn)
Chính vì lí do phiên âm – đọc trại này, nên cùng một bản thần chú, mà mỗi quốc gia đọc một cách khác nhau, không bản nào giống bản nào, phải nghe kĩ, rất kĩ mới tìm ra điểm giống nhau.
Như một từ rất phổ biến trong các thần chú, nhất là chú Đại Bi, lặp lại đến 14 lần, đó là từ ” སྭཱ་ ཧཱ ” – “Svaha”, theo bản phiên âm đọc trại tiếng Trung Quốc là, sẽ phát âm giống như “Sa pô hô”, từ bản đọc trại tiếng Trung Quốc này, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1926-1992) đã phiên âm sang tiếng Việt – chữ Quốc Ngữ thành từ “Ta Bà Ha”.
Thậm chí cùng một bản đọc trại theo tiếng Việt, cũng có khác biệt, như có bản ghi là ”Ta Bà Ha”, còn có bản ghi là “Tát Bà Ha”. Hai cách đọc này, đều là đọc trại từ bản tiếng Trung Quốc mà ra, nên không thể nói là bản nào đúng, bản nào sai cả.
Tuy nhiên, chữ quốc ngữ của Việt Nam có một lợi thế ít loại chữ viết có được, đó là viết theo cách phát âm, hay nói nôm na là “đọc sao viết vậy”, cộng thêm thời nay công nghệ phát triển, bây giờ lên mạng ta có thể dễ dàng tìm được bản thần chú tiếng Phạn, nên có một cách nữa, là phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn sang tiếng Việt luôn, không cần thông qua bản đọc trại tiếng Trung Quốc, theo cách này, từ Svaha có thể viết thành “Xoa Ha”, hay “ Soa Ha”
Một câu hỏi được đặt ra : Vì sao không dịch nghĩa của thần chú?
Thần chú khác với kinh điển, kinh điển có thể dịch nghĩa, xong thần chú thì không thể, có nhiều lí do, đơn cử như vì trong mỗi từ hàm chứa quá nhiều nghĩa. Như từ “ Ta Bà Ha” ( Svaha), đồng thời chứa rất nhiều nghĩa : thành tựu – cát tường – viên mãn – tiêu tai- tăng ích – vô trú, dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia, thậm chí có những nghĩa lí sâu xa mà chỉ Đức Phật với Đức Phật mới hiểu hết, tất cả được nén lại trong những câu chú ngắn, chúng sinh chỉ cần đọc, dù không hiểu cũng được vô số lợi ích. Vậy nên khi đọc tụng, ta chỉ đọc tụng bằng bản phiên âm, chứ không tụng bản dịch nghĩa.
Việc này giống như việc ta uống thuốc. Ta không cần phải là dược sĩ chuyên khoa, biết rõ trong viên thuốc có bao nhiêu thành phần hóa học, mỗi thành phần có tác dụng như thế nào với cơ thể, xong ta cứ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống vào là khỏi bệnh thôi.
Công năng của thần chú, còn gọi là Đà Ra Ni, hay chân ngôn, cũng như vậy, đọc không hiểu, nhưng vẫn được những lợi ích vô cùng. Bằng chứng là hàng vạn người từ mấy nghìn năm qua, vẫn tụng chú Đại Bi, hay những thần chú khác, hoàn toàn không hiểu những câu từ trong đó ý nghĩa như thế nào, không biết “Án” , hay ” Ta Bà Ha” mang ý nghĩa gì, xong họ vẫn trì tụng, và vẫn cứ đạt được những lợi ích vô cùng.
Người này nhờ tụng chú khỏi bệnh, người kia tụng chú tâm tính được chuyển biến từ hung dữ sang hiền lành, từ si mê sang trí tuệ.v.v…. Vô số những linh ứng trong thực tế làm bảo chứng cho những câu thần chú, cho nên những thần chú đó mới có thể được duy trì, bảo tồn, đời này truyền đời khác, liên tục mấy nghìn năm không thất truyền, từ nước này lan sang nước khác cho đến tận ngày nay.
Cũng có rất nhiều người phản bác, trong đó có cả những người xuất gia theo Phật có danh tiếng đang hoàng. Họ đưa ra đủ lí lẽ sắc bén để phản bác các câu thần chú, như đọc tụng kinh phải hiểu nghĩa, hoặc phủ nhận thẳng thừng là Đức Phật không có dạy những câu chú này (không biết họ có sống cùng thời với Đức Phật để nghe hết lời Phật nói không, mà họ tuyên bố có vẻ rất chắc chắn), v.v… Nhưng THỰC TẾ MỚI LÀ CÂU TRẢ LỜI ĐÁNG GIÁ NHẤT.
Người ta có thể dùng những lí luận sắc bén, nghe rất hợp lí, đầy tính thuyết phục để khiến người khác tin theo một quan điểm nào đó. Xong chỉ cần trong THỰC TẾ, có một, hoặc có nhiều sự việc xảy ngược lại với quan điểm kia, lập tức cái quan điểm “nghe có vẻ thuyết phục” đó sụp đổ tan tành, và bị thời gian nhấn chìm trong quên lãng.
Trong thực tế mấy nghìn năm qua, bất chấp có rất nhiều người không tin, đưa ra đủ lí lẽ phản bác, xong những người trì tụng thần chú đạt được những lợi ích ngoài sức tưởng tượng thì luôn có rất nhiều, thậm chí là cực kì nhiều. Vậy nên các thần chú của của Đức Phật hay của các vị Bồ Tát tuyên thuyết trong kinh, vẫn lưu truyền rộng rãi, đến tận những quốc gia xa xôi, thậm chí còn phát triển thành một trong ba tông phái lớn nhất trong Phật Giáo, là Mật Tông.
Quay trở lại với vấn đề phát âm thần chú, vậy liệu đọc trại đi, không còn giống nguyên bản tiếng Phạn ban đầu như vậy, thì người đọc tụng có còn đạt được những lợi ích nữa không ?
Thực tế đã trả lời rằng CÓ, rất nhiều vị tông sư lỗi lạc như ngài Tuyên Hóa cũng đã khẳng định điều này. Đọc trại vẫn cứ đạt được rất nhiều công năng, lợi ích của thần chú. Người Việt đọc bản thần chú trại theo phiên âm tiếng Việt, người Hoa đọc theo bản đọc trại tiếng Hoa…vẫn cứ được linh ứng, vẫn cứ gặp được những kì tích phi thường, mà hàng trăm câu chuyện người thật việc thật Quang Tử đã đăng tải là những bằng chứng xác thực.
Vì rằng việc trì tụng thần chú có đạt được hiệu quả hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà yếu tố phát âm đúng mới chỉ là một trong số đó, ngoài ra kết quả còn phụ thuộc vào mức độ thành tâm, mức độ tin tưởng, mức độ giữ giới, mức độ căn cơ, cách dụng công.v.v…
Như Hòa thượng Tuyên Hóa là một ví dụ điển hình, Ngài là người Trung Quốc, Ngài tụng chú Đại Bi theo bản đọc trại tiếng Trung Quốc, ngài vẫn có thể nhờ đó khai mở trí tuệ, thần thông, vận dụng thần chú để chữa bệnh cho mọi người, hay nhiều công năng khác nữa, uy danh lẫy lừng thế giới.
____________________
Có một câu chuyện có thật ở Tây Tạng chứng minh cho chúng ta thấy rằng dù là trì tụng trại âm nhẫn đến cho bị sai âm, nếu có thể dùng tâm chân thành nhất và không khởi tâm nghi hoặc thì nhất định sẽ đạt được lợi ích không thể nghĩ bàn:
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng có một bà lão sống cô độc, chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc. Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp để cầu xin cho tâm hồn được bình yên.
Cuối cùng thì bà được một người hành hương tốt bụng truyền cho một câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu thần chú gồm có sáu chữ Án Ma Ni Bát Di Hồng ( Ôm Ma Ni Pat Mê Hum) có thể dùng để giải trừ những nghiệp chướng.
Tội nghiệp cho bà già thôn dã, không biết chữ, nên trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ lộn cách phát âm trở thành Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Để khích lệ cho việc đọc câu kinh sám hối này bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại.
Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành tâm tụng niệm suốt 30 năm.
Lòng thành kính của bà đã ứng hiện cho nên sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, cứ một câu thần chú vừa được phát ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh.
Bà lão thấy những hạt đậu tự động nhảy nhót, cộng hưởng với âm điệu của câu thần chú thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường cho nên bà càng phấn khởi tụng niệm hăng say hơn.
Hôm nọ có một vị cao tăng từ Tây Tạng vân du qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh lụp xụp của bà, nhà sư thấy có ánh hào quang tỏa ra rực rỡ.
Vị cao tăng này lấy làm kinh ngạc, ông nghĩ rằng bên trong chiếc lều tranh thế nào cũng có một vị chân tu đắc đạo. Ông vội vã ghé vào thăm hỏi.
Bà lão lấy làm vui mừng khi thấy vị cao tăng đến thăm, bà quỳ xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Vị cao tăng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát xuất từ nơi đâu ?
Ông lần lần hỏi thăm :
-Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi và ở đây còn có ai khác nữa hay không ?
-Thưa ngài, ở đây chỉ có một mình tôi sống cô độc hơn ba mươi năm nay.
-Thật tội nghiệp, bà ở một mình chắc hẵn rất buồn ?
-Không đâu, tuy chỉ ở một mình nhưng hàng ngày tôi tu hành và tụng kinh để kiếp sau có thể hưởng được nhiều phúc đức của kiếp này, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn khổ. Nhất là từ lúc được một người hảo tâm chỉ cho cách tu luyện thì tôi càng có nhiều can đảm để sống hơn.
-Bà đang tu luyện kinh sách nào vậy ?
-Thưa ngài , tôi không biết chữ, cho nên chỉ tụng niệm duy nhất một câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Nhà sư thở dài tiếc nuối :
-Bà lão ơi, bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát Âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng.
Đến lúc này thì bà lão mới biết là đã đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm.
Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn trọng đại này, như vậy thì công trình 30 năm tụng niệm coi như xe cát biển đông. Tuy nhiên bà cũng cảm ơn sự cải chính của nhà sư.
-Dù sao thì ngài cũng đã đính chính kịp lúc, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai mà không biết cho đến bao giờ mới điều chỉnh cho đúng được.
Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con đường truyền đạo của ông.
Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của bà mà lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng.
Thế nhưng tâm tư của bà còn hỗn độn vì sự việc vừa rồi cho nên ý chí của bà không được tập trung.
Mỗi câu thần chú của bà đã không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa tụng niệm mà nước mắt cứ tuôn rơi, bà thầm tiếc cho công trình tu luyện hơn ba mươi năm như trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.
Nhà sư đi được một đỗi xa, ông ngoái đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Bây giờ túp lều tranh hiện hình dột nát mà lại âm u buồn bã. Nhà sư giật mình và nghĩ rằng chính ông đã làm hại người Phật tử này không còn tập trung được tư tưởng như lúc trước. Ông vội vã trở lại túp lều tranh và nói với bà lão rằng :
-Lúc nãy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.
-Nhưng tại sao sư phụ lại dối gạt tôi như vậy ?
-Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam Bảo như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là phải phép rồi.
-Xin tạ ơn Đức Phật, vậy mà con cứ tưởng rằng công lao 30 năm tụng niệm đã trôi theo dòng nước, xin đa tạ sư phụ chỉ bày.
Sau khi nhà sư ra đi, bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm, mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra thì tâm hồn bà rộn rã tươi vui và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh.
Nhà sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn trở lại thì thấy hào quang Nhà sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn trở lại thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão đã làm sáng rực cả một góc trời.
______________
Tuy nhiên, nói rằng trì tụng theo bản đọc trại có thể đạt được công năng 100% như bản chuẩn tiếng Phạn thì không thể. Vì phát âm chuẩn vẫn phát huy được công năng của thần chú mạnh mẽ hơn. Những vị sư chuyên về Mật Tông còn phải mất nhiều ngày, nhiều tháng rèn luyện để có thể phát âm chính xác được từng từ trong câu thần chú, chứ không phải đơn giản.
Xong vì lí do nào đó, ta chỉ có thể đọc tụng thần chú theo những bản đọc trại, thì vẫn được lợi ích vô cùng.
Xin giới thiệu với các bạn một câu thần chú có công năng bổ khuyết những chỗ tụng thần chú sai, thiếu, đọc trại không chính xác, phát âm không đúng giọng, còn tăng công đức các chú đọc trước lên nhiều lần. Ngoài ra, năng trì chú này sẽ năng trị các tội, ít bệnh tật, bệnh mau lành và khi mãn Phần sẽ thấy Phật. ( Đọc 7 lần vào cuối buổi tụng niệm)
BỔ KHUYẾT CHÂN NGÔN :
ÔM HU RU HU RU GIA GIA MU KHÊ XOA HA
Sức ta tuy không phát huy hết mười phần công năng của thần chú được, chỉ được chín phần, tám phần, thậm chí một phần trăm thôi thì cũng thì vẫn cứ là vô lượng công đức.
Nhờ đó mà nghiệp chướng của ta được tiêu trừ, phước đức ta tăng trưởng, việc đời, việc Đạo song toàn, lại gieo trồng chủng tử Bồ Đề cho vô lượng kiếp sau, sẽ có một ngày thành tựu đạo quả Bồ Đề Vô Thượng.
Chúc các bạn luôn tinh tấn tu hành, đạo tâm kiên định, sớm viên thành Phật Đạo !