Diệu Liên :
– Chào Quang Tử.
Bạn cho mình hỏi, gần đây mình hay đọc và bản thân mình cũng đăng các bài với nội dung : đọc Kinh, niệm Phật, niệm Chú, phóng sanh, làm việc thiện lành..chữa khỏi bệnh nan y…
Mình cũng có quen với 1 Sư Cô mà vừa phát hiện bị bệnh K giáp, mình có hỏi thăm và cũng khuyên cô lạy Phật sám hối và trì Chú Đại Bi sẽ khỏi bệnh, nhưng cô nói cô vẫn thực hành hằng ngày. Một vài người bạn họ cũng bảo người thân họ cũng niệm Phật mà không hết bệnh
Vậy bạn có thể chia sẻ để mình có thể khuyên cô cũng như các người quen khi mắc phải bệnh tật không ?
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Cảm ơn bạn
Quang Tử:
– Bạn thân mến, Nhân quả nghiệp báo là một hệ thống quy luật phức tạp, bộ môn nghiên cứu để hiểu về nhân quả cũng chia ra nhiều tầng bậc từ thấp lên cao. Giống như toán học vậy, ở lớp 1 chúng ta học 1+1 = 2, càng học lại càng khó dần, lên lớp 12 thì không còn đơn giản như vậy nữa, mà có đủ những công thức toán học phức tạp như phương trình, hàm số lượng giác…
Cơ bản bước đầu về nhân quả của bệnh tật, ta cần hiểu được rằng những căn bệnh, hay những nỗi bất hạnh khác của con người đều là quả báo của những việc bất thiện như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, chửi mắng, lừa gạt.v.v…, bằng cả thân – khẩu – ý đã gieo trong kiếp này cũng như từ vô số kiếp trước. Và nếu biết sám hối, cũng như tạo nhiều công đức lành sẽ khiến nghiệp chướng tiêu trừ, mà nghiệp được tiêu trừ rồi, thì bệnh tật, bất hạnh sẽ theo đó mà biến mất.
Nâng cao lên một chút, ta cần hiểu thêm rằng, ngoài nghiệp chướng ra, còn có một yếu tố tạo ra bệnh nữa, là vong hồn các chúng sinh, có thể là người, có thể là súc sinh bị ta giết hại, đeo theo ta báo thù cũng gây ra bệnh, gọi là oan gia trái chủ. Đây cũng chính là một loại nhân quả, xong có đặc điểm riêng là do những vong hồn oan gia tác động mà thành bệnh.
Cách hóa giải là ta sám hối với oan gia, tạo nhiều công đức hồi hướng cho họ giống như một sự chuộc tội. Nếu họ đồng ý chịu buông tha, thì bệnh tự nhiên khỏi.
Xong trong thực tế thì sẽ có những oan gia dễ dàng tha thứ, cũng có những oan gia thù dai, mãi chưa chịu buông tha, đòi hỏi ta phải tiếp tục sám hối với họ nhiều hơn, thành tâm hơn, hồi hướng thêm nhiều công đức nữa, họ mới chịu buông tha.
Nâng cao thêm một bậc nữa, ta cần quan tâm đến SỐ LƯỢNG. Một người bị bệnh như thế, tất nhiên là do nghiệp, xong nghiệp nặng đến mức độ nào ? Cần sám hối bao nhiêu ngày thì tiêu trừ hết nghiệp chướng ? Hay cần làm bao nhiêu công đức thì đủ để bù hết những tội đã gây ?
Đến đây là bắt đầu khó trả lời, vì cần phải là người đã đắc túc mạng thông, biết được nhân quả tiền tiếp của người khác một cách rõ ràng mới biết được chính xác là bao nhiêu. Thậm chí có những nghiệp báo từ hàng trăm kiếp, ngàn kiếp, triệu kiếp trước, cần phải nhờ đến trí tuệ của một đức Phật mới thấy ra được, chứ thấp hơn không thể nhìn ra.
Ví dụ như có một người bị bệnh vì một nghiệp sát sinh đã gây ra từ 20 kiếp trước, người ấy đến gặp một vị cao tăng đắc đạo nào đó, cũng có túc mạng thông, xong vị ấy cũng chỉ có thể nhìn ra nhân quả trong phạm vi 10 kiếp thôi, xa hơn không thể thấy, thì vị ấy cũng sẽ không rõ nguyên nhân vì đâu mà bệnh.
Vì nghiệp của mỗi người đều hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Cùng bị một căn bệnh giống nhau, nhưng người thì là do nghiệp sát sinh mà thành bệnh, người thì do nghiệp trộm cướp mà thành bệnh, người thì do ngoại tình mà thành bệnh, người thì lại do một oan gia trái chủ nào đó từ kiếp trước đến hành mà thành bệnh.
Số lượng cũng sai khác nhau, người thì do hàng ngàn vong hồn súc sinh tới báo thù vì kiếp trước người này làm nghề giết mổ . Người khác cũng bị bệnh y như vậy, xong là do vong hồn một người đến báo oán, vì kiếp xưa bị kẻ này làm nhục dẫn đến tự sát, kết thành ân oán.
Chính vì sự sai khác về số lượng này, mà mỗi người dù bệnh trạng giống nhau, nhưng để giải được nghiệp, hết được bệnh lại cần dụng công sám hối, tạo công đức với số lượng khác nhau.
Chính vì nghiệp mỗi người có nặng, có nhẹ khác nhau như thế, nên khi thực hành theo những pháp môn của Phật, có người chỉ mới niệm Phật hay sám hối, phát nguyện… sơ sơ, đã thấy lành bệnh rất nhanh, có người thì vài tháng, một năm là khỏi, nhưng cũng có rất nhiều người đã qua vài năm, hành trì lâu hơn rất nhiều, làm công đức rất nhiều vẫn chưa thấy khỏi.
Thế nên, vấn đề chúng ta cần suy xét đến, là Nghiệp của người bệnh là bao nhiêu ?
Không phải cùng là bệnh giống nhau thì Nghiệp trong nhiều kiếp của họ đều giống nhau.
Giả sử có 2 người, đều cùng bị ung thư gan, nhưng có người là do giết vài chục con gà vịt, nay các vong gà vịt đó kéo đến báo oán , gây thành ung thư. Cũng có người là do kiếp trước làm tướng quân giết cả ngàn người, giờ nghiệp sát chín muồi, tự phát thành ung thư.
Người ung thư do giết gà vịt, có thể đơn giản là sám hối, phóng sinh hồi hướng cho vong hồn những con gà vịt đó, chỉ khoảng hai tháng là nghiệp tiêu hết, các vong gà vịt buông tha cho mà siêu thoát cả, vậy là khỏi bệnh.
Xong người thứ 2, nghiệp nặng hơn rất nhiều, giết hàng ngàn mạng người, nghiệp đó lớn gấp cả ngàn lần so người giết mấy chục con gà vịt kia.
Vậy thì cho dù người này sám hối, phóng sinh hồi hướng cho oan gia hai tháng y chang như người giết gà vịt, thậm chí làm gấp 10 lần như thế, thì cũng đâu đã trả đủ được số sát nghiệp giết cả ngàn mạng người.
Vậy anh ta cần làm gì ?
Câu trả lời là KIÊN TRÌ. Anh ta phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, ngoài ra, cũng không còn cách nào khác. Nếu buông xuôi, không làm gì hết, thế thì Nghiệp còn nguyên, không chỉ là chịu đau bệnh kiếp này, mà kiếp sau còn nhiều tai ương khác.
Quay lại câu hỏi ban nãy, Nghiệp của mỗi người bệnh, số lượng là bao nhiêu ??? Không có túc mạng thông, không ai biết được.
Vậy phải chăng ta nên đi tìm người có túc mạng thông để soi ra kiếp trước xem Nghiệp mình nhiều ít như thế nào ?
Thực ra việc này khó như lên trời ? Biết đi đâu tìm đây ? Thật giả thời nay rất khó phân biệt được. Rồi giả sử tìm được thì sao ?
Vị ấy cũng sẽ nói rằng ta bệnh là vì còn nhiều nghiệp kiếp xưa, còn thiếu rất nhiều công đức mới trả nổi số nghiệp này. Và rồi ta bắt đầu lo đi làm công đức – sám hối để tiêu nghiệp.
Ồ, như vậy chẳng phải ngay từ đầu ta cứ tiếp tục kiên trì sám hối, tạo công đức để bù đắp luôn là được rồi. Đâu cần tốn thời gian, công sức, tiền bạc đi tìm nhờ người có túc mạng thông làm gì, giải pháp chẳng phải cũng giống nhau thôi sao ? Chính là ta phải tiếp tục kiên trì sám hối, tiếp tục cầu siêu cho oan gia, tiếp tục tạo thật nhiều công đức cầu tiêu trừ nghiệp chướng.
Nghiệp có thể khác nhau, nguyên nhân bệnh có thể khác nhau, NHƯNG CÁCH GIẢI THÌ LẠI GIỐNG NHAU, ĐỀU LÀ SÁM HỐI & TẠO NHIỀU CÔNG ĐỨC.
Pháp môn trong đạo Phật rất nhiều, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, sám hối, phát nguyện, phóng sinh, ấn tống, làm phước, bố thí, cứu người, xây chùa, đúc tượng .v.v… dù sai khác như vậy xong tất cả đều là Phật dạy, đều tạo ra những công đức, đều có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng. Vì rằng hoàn cảnh mỗi người khác nhau, căn cơ khác nhau, sở thích khác nhau, nên chia ra nhiều cách thức khác nhau, để mỗi người tự lựa chọn lấy cách thức phù hợp nhất với mình mà áp dụng.
Và phương pháp tốt nhất với mình không phải là cứng ngắc, nhất định là pháp môn này, hay pháp môn kia. Không, pháp môn tốt nhất chính là pháp môn phù hợp nhất với mình, và mỗi người cần phải tự tìm ra phương pháp phù hợp nhất ấy.
Xong tất cả đều có điểm chung, đó là cần phải KIÊN TRÌ THỰC HÀNH.
Phật Pháp không có giống như cái công tắc, ấn nút một cái là mọi thứ xong ngay. Không, mọi cách tu tập trong Phật Pháp đều là cả một quá trình không ngừng nỗ lực, đều đòi hỏi sự kiên trì và cố gắng hết sức.
Mong rằng những ai đang bắt đầu áp dụng Phật Pháp đều thấu hiểu điều này, không nản chí khi chưa thấy kết quả, tiếp tục kiên định hành trì, hãy nghĩ rằng : “Rất nhiều người đã đi và đến đích, vậy ta cũng có thể đến đích, chỉ khác là sớm hay muộn mà thôi.”
Hãy kiên trì, đã gieo nhân chắc chắn sẽ đến ngày đạt được kết quả. Chúc các bạn đạo tâm kiên cố, sớm thành tựu quả lành, viên thành Phật Đạo !