Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy :
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, theo vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Ý ở đây là những ý nghĩ trong tâm, là một trong ba phương thức tạo tác ra Nghiệp là Thân – Khẩu – Ý. Theo Nhân quả, Ý Nghiệp là gốc, sẽ sinh ra Khẩu nghiệp và Thân nghiệp đúng như ý đã khởi. Trong các loại ý, việc nghĩ đến muốn làm việc này hay việc khác, gọi là Ý NGUYỆN, và Ý NGUYỆN sẽ sinh ra hành động. Có nghĩa là trong tâm từng khởi lên ý nghĩ muốn làm gì, sau một thời gian, hoặc gần trong một kiếp, hoặc xa qua nhiều kiếp, ta sẽ thực hiện đúng như ý muốn đã khởi, đây là quy luật Nhân Quả.
Nếu ta khởi những ý nguyện nằm trong tầm tay, hiện tại dễ dàng thực hiện, thì những nguyện đó rất nhanh thành tựu.
Ví dụ như khi ta thấy những chúng sinh bị giết hại dã man, ta khởi lên ý nguyện sẽ cứu mạng chúng, thì thời gian không bao lâu, hoàn cảnh sắp xếp ta sẽ có thể thực hiện được việc phóng sinh.
Nếu lời nguyện to lớn hơn, hiện tại không đủ điều kiện để làm, thì Nhân quả sẽ linh hoạt dẫn dắt ta từng bước đáp ứng đủ các điều kiện, hội tụ đủ các nhân duyên cần thiết cho đến khi có thể thực hiện đúng như ý nguyện đã khởi.
Ví dụ như một người nguyện sẽ xây một cây cầu bắc qua sông cho mọi người qua lại dễ dàng, không bị nguy hiểm. Trong hiện tại anh ta cái gì cũng không có : tiền không, trình độ không, sức khỏe không … cho đến khả năng vận động cũng không có, cái có duy nhất là điều nguyện.
Ai cũng thấy ngay là cả đời anh ta cũng không bao giờ làm được. Nhưng không sao, vì ý nghiệp đã tạo, nguyện đã phát, kiếp sau Nhân quả theo đó sẽ dẫn dắt anh ta từng bước làm phước từng chút, từng chút một, khi giúp người này, lúc cứu người kia để tích lũy phước.
Khi phước đã tăng lên, anh ta sẽ dần có những điều kiện cần thiết để xây cầu, như gia cảnh khá giả, tốt nghiệp thành kĩ sư cầu đường, uy danh tốt, nhiều người tín nhiệm, có khả năng vận động nhiều người, thậm chí được làm những chức vụ có quyền hạn ra quyết định xây cầu.v.v….
Quá trình tích lũy phước này có thể mất đến nhiều kiếp, thậm chí vài chục kiếp, song song với đó, anh ta dù qua nhiều kiếp, không nhớ gì đến điều nguyện xưa, nhưng trong tâm luôn khởi lên ý muốn xây cầu, ham mê ngành cầu đường, thậm chí nhiều lần phát lại điều nguyện xây cầu cho dân, và thường thì điều nguyện sau sẽ chi tiết, tỉ mỉ hơn điều nguyện kiếp trước.
Cho đến khi mọi nhân duyên đã hội tụ đủ, sau nhiều kiếp tích lũy công đức anh ta đã có tiền dư giả, đã có trình độ để xây một cây cầu đúng kĩ thuật, đã trực tiếp hoặc gián tiếp có được quyết định xây cầu của chính quyền, đã huy động được nguồn nhân sự mọi mặt, mọi người đều đồng chí đồng lòng… và thế là, cây cầu được xây dựng nên, đúng như ý nguyện kiếp xưa của một người chẳng có gì cả ngoài lời nguyện.
Đó chính là đường đi Nhân quả của LỜI NGUYỆN.
Vấn đề là từ khi khởi nguyện đến khi thành tựu có thể sẽ trải qua rất nhiều kiếp, Nguyện càng to lớn thì càng lâu thành tựu, như Nguyện thành Phật, độ tất cả chúng sinh thì sẽ trải qua số kiếp nhiều như số cát của vô lượng sông Hằng tích lũy công đức vô cùng khủng khiếp, tu tập vô số pháp môn, gieo duyên với vô số chúng sinh…, còn những nguyện nho nhỏ thì sẽ nhanh hơn, một vài kiếp, hoặc vài chục kiếp thôi.
Trong khoảng nhiều kiếp đó, có thể sẽ có những lúc lui sụt, nhưng qua giai đoạn ấy lại phát khởi trở lại, dần dần tăng tiến cho đến khi viên mãn như ban đầu đã nguyện mới thôi. Đó là một điều vi diệu của luật Nhân quả, chúng ta cần nhớ kĩ để ứng dụng trong việc tu hành.
Nếu muốn cho điều đã nguyện thành tựu nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta nên làm nhiều công đức khác nhau, hồi hướng cho điều nguyện ấy mau thành tựu.
Giống như trong kinh Bi Hoa, các vị vương tử, quan lại, bà la môn, thiên long bát bộ.v.v… phát nguyện cầu thành Phật, thì chỉ cần lời nguyện đó, đến nay sau vô lượng kiếp luân hồi, mỗi người một con đường, tu hành khi tăng khi giảm, xong đến giờ các Ngài đều đã thành những vị Đại Bồ Tát, được Đức Phật thọ kí sẽ thành Phật. (Bạn có thể tìm thấy kinh Bi Hoa ở đây: https://nhanqua.com.vn/kinh-bi-hoa/)
Riêng những vị đem công đức cúng dường Phật và Tăng đoàn, hồi hướng thêm cho điều mình nguyện, thì thành tựu nhanh hơn, đó chính là hai vị đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, và các vị đã thành Đẳng Giác Bồ tát, Nhất Trú Bổ Xứ Bồ Tát, Đại Bồ Tát uy danh khắp pháp giới như Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, 1000 vị Phật trong Hiền kiếp .v.v…
Ngoài ra, sau nhiều lần đầu thai chuyển kiếp, dù người phát nguyện có nhớ hay không, thì họ cũng sẽ phát lại những nguyện đã phát, và bổ sung cho điều nguyện hoàn chỉnh hơn, viên mãn hơn.
Như tiền thân của Đức Phật A Di Đà, ở kiếp xa xưa trước Đức Phật Bảo Tạng, Ngài đã phát nguyện khi thành Phật sẽ lập nên cõi Cực Lạc, tiếp độ chúng sinh về cõi của Ngài giáo hóa (được ghi lại trong kinh Bi Hoa)
Nhiều kiếp sau, Ngài tiếp tục tu hành, đến khi được gặp Phật Thế Gian Tự Tại Vương, ngài từ bỏ ngôi vua xuất gia, và trước Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương, ngài lại phát nguyện, cũng chính là những nguyện kiếp xưa đã nguyện trước Bảo Tạng Như Lai, xong đã phát triển hoàn chỉnh hơn nhiều, chính là 48 lời nguyện được ghi trong kinh Vô Lượng Thọ. Và đến nay, thì mọi điều nguyện của Ngài đã thành hiện thực, Ngài chính là Đức Phật A Di Đà với cõi Cực Lạc Tây Phương mà ai cũng biết.
Vậy có khi nào ý nguyện đã khởi mà lại không tạo ra hành động không?
Có, đó là khi sau khi đã khởi ý nguyện đó, lại sinh tâm hối hận, hay hối tiếc, hoặc phát ra những ý nguyện mới trái ngược với nguyện trước đó. Ví như một người trong lúc nóng giận, bị một người bạn xúc phạm, đã lỡ lời thề “Tao sẽ giết mày!”, sau đó bình tĩnh lại, thấy rằng như vậy thật nguy hiểm, sinh tâm hối hận vì câu nói này, lại nguyện rằng ” Từ nay về sau tôi sẽ không giết hại một ai cả.”
Như vậy, ý nguyện giết người trước đó của anh ta sẽ bị triệt tiêu, tương lai sẽ không phát sinh việc “giết người bạn” như đã khởi ý, hoặc kiếp nào gặp lại anh bạn đó, phát sinh xích mích, anh ta định giết, nhưng sẽ dừng tay kịp thời.
Nếu thế, chúng ta có thể chặn lại những ý nguyện sai lầm của chúng ta trong vô lượng kiếp qua không ? Câu trả lời là CÓ, nếu chúng ta kiên trì sám hối những ý nghiệp bất thiện trong vô lượng kiếp qua, và phát nguyện làm những điều thiện lành, thì tương lai chúng ta sẽ không bị cuốn vào những hành động xấu ác mà ta đã khởi nguyện từ quá khứ. Nhưng bạn cần chú ý đến số lượng.
Vô lượng kiếp qua, chúng ta đã khởi hàng tỉ tỉ những ý nguyện sai lầm. Vậy muốn triệt tiêu hết chúng, thì không thể chỉ vài lầm sám hối mà đủ, mà cần đến hàng tỉ tỉ ý niệm sám hối. Và cần thường xuyên phát lên những ý nguyện thiện lành để đối trị.
________________________
Như trên ta thấy, PHÁT NGUYỆN là một pháp môn cực kì quan trọng, vì phát nguyện không quá khó, chỉ cần khởi lên những ý nghĩ, nhưng chỉ cần biết cách ‘nghĩ như thế nào cho đúng’ là có thể sinh ra đầy đủ tất cả những pháp môn khác, kiên định kiếp này qua kiếp khác cho đến khi viên mãn.
Nó giống như ta cầm một nắm hạt giống, gieo vào đất rồi bỏ đi. Nhiều năm sau quay lại thì các hạt giống bé nhỏ năm xưa đã thành một rừng cây cao lớn. Có thể thấy, pháp môn phát nguyện này dựa trên quy luật Nhân Quả, sử dụng Nghiệp lực – loại sức mạnh khủng khiếp nhất vũ trụ để tu hành, vì vậy nên công bỏ ra ít mà thu hoạch khổng lồ, chỉ là, phải chờ đợi hơi lâu mà thôi.
Chư Phật, chư Bồ Tát vì muốn nhấn mạnh điều này, nên trong rất nhiều kinh điển khác nhau, Đức Phật luôn gắn liền sự thành tựu của các vị Phật, vị Đại Bồ Tát với những điều NGUYỆN từ kiếp xưa ( ở khoảng giữa các vị ấy tu hành như thế nào thường lược bỏ, hoặc chỉ nói sơ qua)
Như kinh Địa Tạng, trong những kiếp xưa, tiền thân Ngài Địa Tạng Bồ Tát khi còn làm vua, làm nữ Bà La Môn, làm Quang Mục, nhờ phát nguyện “Từ nay cho đến tận kiếp ở vị lai, con nguyện sẽ vì những chúng sanh tội khổ mà rộng thiết lập phương tiện để khiến họ đều được giải thoát.”.v.v… mà giờ Ngài đã thành Địa Tạng Vương Bồ Tát – oai thần, uy đức trùm phủ khắp vũ trụ.
Kinh Vô Lượng Thọ, tỳ Kheo Pháp Tạng phát 48 đại nguyện và nay Ngài thành Phật A Di Đà.
Kinh Dược Sư, Đức Phật cũng miêu tả ở kiếp xưa, tiền thân của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật đã phát 12 đại nguyện, và nay thì Ngài đã thành Phật ở cõi Lưu Ly.
Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký, kiếp xưa có hai vị đồng tử phát nguyện thành Phật trước Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai, nay hai vị ấy đã thành Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát, tương lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, và Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai.
Kinh Bi Hoa, trước Đức Phật Bảo Tạng, hàng vạn người và chúng sinh đồng thời phát nguyện, mỗi vị có lời nguyện khác nhau, xong đều giống nhau ở 2 điểm, đó là TRÊN CẦU THÀNH PHẬT, DƯỚI CẦU CỨU ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SINH, và nay các vị ấy đều đã thành Phật, thành Đại Bồ Tát, chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, , và các vị Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, 1000 vị Phật trong Hiền kiếp .v.v…
Trong kinh Hoa Nghiêm, là bộ kinh siêu việt của hàng Bồ Tát, ở phần cuối kinh, cũng là tổng nhiếp của cả bộ kinh, lại là dạy về pháp môn phát nguyện, chính là 10 nguyện Phổ Hiền.
Vậy, một lời nguyện muốn CỨU ĐỘ CHÚNG SINH thì ý nghĩa như thế nào ?
Thời Đức Phật ở thành Xá Vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, trong nước có một bà già nghèo khổ, cô đơn xin ăn sống qua ngày tên Nan Đà. Bà thấy quốc vương, đại thần và bao người cúng dường đèn lên Phật và chúng Tăng, trong lòng hết sức hổ thẹn, buồn bã.
Biết mình do đời trước tạo tội mà bị nghèo hèn. Nay đã gặp được ruộng phúc mà lại không thể cúng dường chi thì rất uổng, thế là bà bèn đi xin mong có vật gì đó để cúng dường Tam Bảo.
Nhưng xin cả ngày mà chỉ được một xu, bà liền đến tiệm mua dầu.
Chủ quán nói :
– Một xu đâu có mua được bao nhiêu dầu, bà dùng làm chi ?
Bà Nan Đà liền thổ lộ ước mơ được cúng dường lên Đức Phật của mình, người bán dầu nghe vậy cảm thông liền bán cho bà nhiều gấp đôi. Nan Đà vui lắm, bà chế ra một cây đèn dầu nhỏ đem đến tịnh xá cúng Phật. Bà đặt vào hàng đèn đầu tiên dâng trước Phật và phát nguyện :
– Con hiện nay quá nghèo, chỉ có cây đèn nhỏ xíu này cúng dường Phật, nguyện nhờ công đức này khiến đời sau con đắc đại trí huệ, có thể chiếu soi diệt trừ u ám cấu uế cho tất cả chúng sinh.
Phát thệ xong bà lễ Phật rồi đi. Đến lúc trời sáng chỉ duy nhất ngọn đèn nhỏ của bà già nghèo khổ Nan Đà còn cháy mạnh. Khi đó ngài Mục Kiện Liên là vị đệ tử thần thông bậc nhất của Phật đang trực ngày hôm đó, thấy trời sáng bèn đi thu dọn đèn.
Phát hiện cây đèn tuy nhỏ mà cháy sáng rực, tim đèn cứ như mới thắp, không có bất kì tổn hại nào, ngài Mục Kiện Liên thầm nghĩ : “ Ban ngày đâu cần để đèn cháy làm chi.”, Ngài bèn cầm lên quạt tắt nó, nhưng quạt mấy cũng không tắt, nó vẫn cháy mãnh liệt…
Phật thấy vậy liền bảo Mục Liên :
– Cây đèn này không phải hàng Thanh Văn – La Hán như các ông có thể làm lay động được, dù ông có dùng thần thông lấy nước hết bốn biển hay hiện cuồng phong mà dập tắt thì cũng chẳng được, bởi vì đây là đèn của một người cúng dường đã phát đại Bồ đề tâm sẽ quảng tế chúng sinh ( tức Bồ Tát Sơ Phát Tâm )…
Phật nói xong thì vừa vặn lúc đó bần nữ Nan Đà đi đến bái kiến Phât. Đức Phật bèn thọ kí cho Nan Đà :
– Tương lai vào khoảng hai A tăng kì trăm kiếp, Ngươi sẽ thành Phật hiệu là Đăng Quang (Đèn Sáng) có đủ mười danh hiệu của Phật.
Nan Đà được thọ kí hết sức vui mừng, bà vội quỳ xuống xin xuất gia. Phật đồng ý độ cho bà thành Tỳ-kheo-ni.”
_______________________
Cây đèn bà Nan Đà cúng Phật không giống với những cây đèn dâng cúng khác, vì nó được thắp lên bằng tất cả trái tim bà. Điều này ai cũng hiểu.
Nhưng có một điều vĩ đại hơn nhiều ít ai để ý, ẩn sau cây đèn đó, là một ngọn đèn thứ hai, là nguyên nhân khiến cho ngài Mục Kiện Liên không tài nào thổi tắt đèn được, chính là lời nguyện của bà Nan Đà : “…nguyện nhờ công đức này khiến đời sau con đắc đại trí huệ, có thể chiếu soi diệt trừ u ám cấu uế cho tất cả chúng sinh.”
Câu nguyện này chính là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ !
Có rất nhiều cách phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, nhưng tựu chung, phát tâm Vô Thượng Bồ Đề là một lời nguyện, một lời hứa với Tam Bảo, với chính mình rằng, trong tương lai lâu xa nhiều kiếp sau, sẽ tu thành Phật, độ tất cả chúng sinh thoát biển khổ luân hồi.
Lời nguyện như thế nghe có vẻ quá sức viễn tưởng, quá xa xôi, quá to tát… trong khi mỗi người chúng ta đây, còn quá phàm tục để nghĩ đến điều vĩ đại như thế. Chúng ta sợ sẽ không thực hiện được, nên đa số đều không dám phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Nhưng chúng ta đã hiểu nhầm. Sự thất hứa chỉ xảy ra trong phạm vi thời gian ngắn như trong một kiếp sống thôi, còn qua nhiều kiếp, đến vô lượng kiếp thì mọi lời nguyện, mọi lời hứa đều sẽ thành hiện thực, dù lời nguyện đó có lớn đến mức nào đi chăng nữa, đó là Nhân quả không thể khác.
Thế nên người đã phát nguyện cầu thành Phật hay nguyện độ chúng sinh thóat biển khổ sinh tử, thì qua nhiều kiếp về sau, tự nhiên Nhân quả sẽ sắp xếp khiến người đó luôn gặp Phật Pháp tu hành, mà không phải tu một cách bình thường, mà luôn tu cực kì dũng mãnh với một trí tuệ sắc bén, có thể làm được những điều vô cùng khó làm mà ai cũng chào thua, có thể tự tìm ra con đường đúng đắn để đi giữa vô vàn tà kiến, cám dỗ, chẳng sợ lạc lối , có thể tích chứa được những tạng công đức vĩ đại không thể cân đo , suy lường được …v.v…
Người đó trải qua vô số kiếp, cứ tăng tiến dần lên các công hạnh cho đến khi lời nguyện ban đầu thành hiện thực, nghĩa là sẽ thành một Đức Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, cứu độ vô lượng chúng sinh, dù rất – rất lâu, cực kì lâu, nhưng điều đó chắc chắn sẽ thành hiện thực. Muời Phương Ba Đời các Đức Phật thành Chánh Đẳng Chánh Giác đều xuất phát từ một lời nguyện như thế.
Chính vì vậy, một câu nguyện PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ẩn chứa vô biên công đức không thể nghĩ bàn, là bảo vật vô giá trong tất cả mọi loại bảo vật . Một phàm phu vừa mới phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, liền được Phật gọi là Bồ tát Sơ Phát Tâm, vị này ngay hiện tại chẳng thấy có gì khác, nghiệp chướng còn đầy, tội lỗi còn đầy, tham sân si còn đầy, trí tuệ, đức hạnh, thần thông đều chẳng có…Chỉ có Phật và các Đại Bồ Tát dùng trí tuệ siêu đẳng mới thấy hết được cái mà vị ấy có.
Trong kinh Hoa Nghiêm viết :
“…Lúc bấy giờ, Thiên-Ðế-Thích bạch Pháp-Huệ Bồ-Tát rằng :
– Thưa Phật-tử ! Bồ-Tát Sơ Phát Bồ Đề Tâm được bao nhiêu công-đức ?
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói :
– Nghĩa đó rất sâu, khó nói, khó biết, khó phân-biệt, khó tin hiểu, khó chứng, khó làm, khó thông-đạt, khó tư-duy, khó đạt-lượng, khó thu nhập. Tuy nhiên, thừa oai-thần của đức Phật, tôi sẽ nói cho ông.
Này Phật-tử ! Giả sử có người đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong vô-số thế-giới ở mười phương trọn một kiếp; rồi sau đó dạy họ thọ-trì ngũ-giới thanh-tịnh. Cứ theo ý ông, công-đức của người này nhiều chăng ?
Thiên-Ðế thưa :
– Công-đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.’
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói :
– Này Phật-tử ! Công-đức của người này đem so với công-đức sơ-phát-tâm của Bồ-Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na-do-tha ức, một phần số, một phần ca-la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
Giả sử có người đem tất cả đồ sở-thích cúng-dường chúng-sanh trong mười vô-số thế-giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập-thiện. Cúng-dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy trụ tứ-vô-lượng-tâm. Cúng-dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ-vô-sắc-định. Cúng-dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu-Ðà-Hoàn. Cúng-dường trọn ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A-La-Hán. Cúng-dường trọn trăm ngàn na-do-tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích-Chi-Phật.
Này Phật-tử ! Cứ theo ý của ông, công-đức của người này có nhiều chăng ?
Thiên-Ðế thưa :
– Công-đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.
Pháp-Huệ Bồ-Tát nói :
– Này Phật-tử ! Công-đức của người này đem so với công-đức sơ-phát-tâm của Bồ-Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na-do-tha ức, một phần số, một phần ca-la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu-ba-ni-sa-đà.
__________________________
Có người hỏi :” Công đức phát tâm Bồ Đề rất lớn, vậy phải nguyện như thế nào ?”
Thực ra có rất nhiều cách phát nguyện, tựu chung là “ trên cầu Phật Quả Vô Thượng, dưới cầu độ tất cả chúng sinh”, mà từ đó mỗi vị Bồ tát sẽ biến tấu khác đi theo ý muốn của mình, và các vị ấy đều không chỉ nguyện một điều, một lần, mà là vô số điều, vô số lần.
Và nổi tiếng nhất trong những điều nguyện chính là mười điều nguyện của ngài Phổ Hiền Bồ Tát – bậc thượng thủ trong vô số Bồ Tát xuất hiện trong Kinh Hoa Nghiêm. Tất cả mọi điều nguyện của các vị Bồ Tát đều ẩn chứa trong mười điều nguyện này, nên mãnh lực của mười nguyện Phổ Hiền là vô cùng vô tận.
Nhờ công đức phát nguyện theo Phổ Hiền Thập Hạnh này, người thiếu phước có thể tăng trưởng phước đức nhanh chóng, người tội nặng có thể được giải trừ nghiệp nặng, kể cả 5 tội Vô Gián địa ngục, thậm chí, người tu Tịnh Độ có thể nhờ phát mười nguyện này mà được Vãng sinh Cực Lạc.
Quý vị muốn biết rõ về mười nguyện Phổ Hiền này, xin tìm đọc trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm cuối cùng. Dưới đây xin tóm lược sơ mười nguyện đó bằng một bài kệ Phát nguyện, quý vị cũng có thể dựa theo bài kệ sau mà phát nguyện trước Phật mỗi ngày, sẽ tăng trưởng phước đức không thể nghĩ bàn.
___________________
VĂN PHÁT NGUYỆN PHỔ HIỀN THẬP HẠNH
Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát !
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo !
Con xin đem tấm lòng thành
Vô biên tha thiết, trời xanh thấu cùng
Dưới chân Từ Phụ bao dung
Phát lên lời nguyện vô cùng vô biên
1. Nguyện rằng Chư Phật thiêng liêng
Mười phương quá khứ, hiện tiền, vị lai
Con xin lễ kính các Ngài
Trọn tâm tha thiết, chẳng phai nhạt lòng
2.Nguyện con ngữ ý sạch trong
Ngợi ca cùng tột Đức – Công sâu dày
Mười phương Đức Phật xưa nay
Vô biên Trí – Hạnh , lớn thay không cùng.
3.Nguyện đem bảo vật cúng dường
Tòa sen , đèn lọng, hoa hương ..v.v… vô vàn
Con dâng cúng Phật hân hoan
Dù cho thịt nát, xương tan cũng đành
Pháp cúng dường – không gì sánh :
Y theo Chánh Đạo, thực hành thâm sâu.
Trọn nên Phật Quả nhiệm màu
Độ sinh vô lượng, vẹn câu “ cúng dường ”.
4.Nguyện bao lầm lỗi còn vương
Đem ra sám hối , triệt đường si mê
Vô biên tội – chướng nặng nề
Quyết tâm trừ diệt, trăm bề sạch trong.
5.Nguyện trong khắp cõi hư không
Thấy nghe công đức, khởi lòng hân hoan
Trên của Phật – Thánh, dưới phàm
Trọn tâm tùy hỉ, vô vàn vô biên.
6.Nguyện khi thời khắc thiêng liêng
Thế Tôn thành Đạo, con liền thiết tha
Quỳ dâng muôn vạn thiên hoa
Khẩn xin Phật thuyết bao la Pháp màu.
7.Nguyện khi Phật trụ đã lâu
Người toan thị hiện vào sâu Niết Bàn.
Con liền khẩn thiết xin van
Thỉnh Phật trụ thế muôn ngàn lâu xa.
8.Nguyện bao Hạnh – Trí mênh mang
Của mười phương Phật, vô vàn kiếp tu
Con xin học tập, cho dù
Nát thân, bỏ mạng, quyết tu cho thành.
9.Nguyện khắp tất thảy chúng sanh
Muôn sai vạn khác, quẩn quanh luân hồi
Vô biên kiếp cũng không thôi
Con xin cung phụng, đắp bồi Đạo tâm
Độ tất cả thóat trầm luân
Thành ngôi Chánh Giác, muôn phần an nhiên.
10.Nguyện bao công đức kể trên
Con đem phước báu vô biên xin dành
Hồi hướng khắp nẻo chúng sanh
Trọn nên Phật Quả, trọn thành Pháp thân.
Phổ Hiền mười nguyện Thánh nhân
Xin vô lượng kiếp quyết tâm phụng trì.
Hư không cùng tận, có khi
Còn mười nguyện đó chẳng khi nào dừng.
Thân – khẩu – ý nghiệp chẳng ngưng
Nối nhau không hở trong từng phút giây.
Vĩnh viễn chẳng thể lung lay
Xin trên Tam Bảo chứng ngay lòng thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát !
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo !
______________________
Như vậy, vì Đức Phật đã nhấn mạnh điều này, nên chúng ta bất luận là đang ở trình độ căn cơ nào, tu theo hướng nào, cũng đều cần chú trọng việc phát nguyện, nhất là Bồ Đề Nguyện : TRÊN CẦU THÀNH PHẬT, DƯỚI CẦU CỨU ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SINH.
Đó sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho mọi sự tu hành của chúng ta kiếp này và vô lượng kiếp sau, cho đến khi viên mãn thành Phật Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.